Mỹ cho nghỉ phép hầu hết nhân viên USAID trên toàn cầu, cắt giảm 1600 vị trí tại Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật thông báo sẽ cho toàn bộ nhân sự của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), ngoại trừ lãnh đạo và nhân viên thiết yếu trên toàn cầu, nghỉ phép có lương. Đồng thời, 1.600 vị trí tại Mỹ sẽ bị cắt giảm.
Theo thông báo trên trang web của USAID, bắt đầu từ nửa đêm Chủ nhật theo giờ miền Đông nước Mỹ, toàn bộ nhân viên chính thức của USAID tại Mỹ, trừ những người thiết yếu, sẽ bị cho nghỉ phép. Cơ quan này cũng bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự, ảnh hưởng đến khoảng 1.600 nhân viên tại Mỹ.

USAID cung cấp viện trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế và đảm bảo an ninh lương thực tại hơn 100 quốc gia. Ảnh: US Embassy New Zealand
Trước đó, một thông báo nội bộ rò rỉ cho thấy con số thực tế có thể lên tới 2.000 vị trí bị loại bỏ.
Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, đã dẫn đầu nỗ lực cắt giảm quy mô của USAID – một cơ quan quan trọng trong việc cung cấp viện trợ nước ngoài của Mỹ. Việc này ảnh hưởng đến một trong những công cụ chính của "quyền lực mềm" mà Washington sử dụng để mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Vào thứ Sáu, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết cho phép chính quyền ông Trump đưa hàng nghìn nhân viên USAID vào diện nghỉ phép, gây bất lợi cho các công đoàn viên chức chính phủ đang kiện chính quyền về quyết định mà họ cho là nhằm "giải thể USAID".
Hai cựu quan chức cấp cao của USAID cho biết phần lớn trong số 4.600 nhân viên của cơ quan này, bao gồm viên chức dân sự và ngoại giao, sẽ bị cho nghỉ phép hành chính.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, làm đình trệ các chương trình chống đói nghèo, ngăn chặn dịch bệnh chết người và hỗ trợ người tị nạn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chính quyền đã chấp thuận một số ngoại lệ trị giá 5,3 tỷ USD, chủ yếu dành cho các chương trình an ninh và chống ma túy. Trong số này, USAID chỉ nhận được dưới 100 triệu USD, trong khi trước khi bị đóng băng, USAID từng quản lý khoảng 40 tỷ USD viện trợ mỗi năm.
Việc cắt giảm mạnh USAID diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Trump tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trên hết", giảm bớt vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, động thái này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến ảnh hưởng của Washington, đặc biệt là tại các khu vực đang phát triển, nơi USAID đóng vai trò quan trọng trong cứu trợ nhân đạo, y tế và phát triển kinh tế.
Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản, có thể sẽ phải gánh vác nhiều hơn trong việc tài trợ cho các chương trình viện trợ toàn cầu, hoặc Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).