Nga và Trung Quốc chiếm 70% số lò phản ứng hạt nhân mới toàn cầu
Hai nước Nga và Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân khi chiếm gần 70% số lò phản ứng đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Nikkei Asia, Trung Quốc đang chiếm số lượng lớn nhất là 46 lò phản ứng đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch trong khi con số này của Nga là 30, khiến 2 nước này chiếm tổng cộng 69% lò phản ứng mới của thế giới. Đặc biệt, 33 trong số các lò phản ứng của 2 nước này đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch ở nước ngoài.
Cụ thể, Nga hiện sở hữu 19 lò phản ứng ở nước ngoài, chiếm số lượng lớn nhất trên thế giới bất chấp sự phản ứng ngày càng gia tăng của Mỹ và các quốc gia châu Âu sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của nước này được khởi động. Trên phạm vi thế giới, ngành năng lượng hạt nhân của Nga vẫn duy trì vị thế thống trị.
Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia trực tuyến vào một buổi lễ chuyển giao lô nhiên liệu đầu tiên tại nhà máy điện hạt nhân Akkuyu – một dự án hợp tác giữa công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy này bao gồm 4 lò phản ứng VVER-1200 và dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Putin khẳng định đây là một dự án hàng đầu giúp “mang lại lợi ích kinh tế chung và tất nhiên, giúp tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt” giữa Moscow và Ankara.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: "Với việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân bằng đường hàng không và đường biển tới nhà máy điện của chúng tôi, Akkuyu hiện đã đạt được vị thế của một nhà máy hạt nhân”. Ông cho biết nhà máy Akkuyu là “khoản đầu tư chung lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng dự án này sẽ còn được mở rộng quy mô hơn nữa để hoạt động hết công suất vào năm 2028.
Lĩnh vực ngoại giao năng lượng hạt nhân của Nga cũng đang mở rộng sang các quốc gia khác bao gồm Ai Cập và Hungary. Hồi tháng 5, Rosatom đã bắt đầu xây dựng Tổ máy số 3 của nhà máy hạt nhân Dabaa ở Ai Cập – dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước này.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gặp các quan chức của Rosatom trong tháng 6 để thảo luận về kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới ở miền nam nước này. Ngay từ khi chiến sự bắt đầu, Hungary vẫn luôn phản đối các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu muốn áp đặt lên lĩnh vực hạt nhân của Nga.
Về phía Trung Quốc, nước này cũng tăng cường sự hiện diện của mình trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trên thế giới, đặc biệt là tại Pakistan. Hồi tháng 5 vừa qua, Cơ quan quản lý hạt nhân Pakistan đã cấp giấy phép hoạt động cho lò phản ứng tổ máy số 3 của nhà máy điện hạt nhân Karachi.
Lò phản ứng này mang tên Hualong One, được thiết kế bởi các công ty Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Hualong One có công suất khoảng 1 gigawatt và dựa trên công nghệ lò phản ứng nước áp suất của Mỹ và Pháp. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy hạt nhân ở Argentina.
Ngược lại, các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản, Mỹ và châu Âu phần lớn bị đình trệ sau thảm họa năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các quốc gia này đang cố gắng bắt kịp Nga cùng Trung Quốc thông qua các lò phản ứng module nhỏ (SMR) – lò phản ứng thế hệ thứ 4.
SMR tương đối nhỏ và có công suất chỉ từ 300 megawatt trở xuống. Tuy nhiên, chúng được coi như một lựa chọn an toàn do được thiết kế để làm mát nhiên liệu hạt nhân dễ dàng hơn trong trường hợp xảy ra tai nạn. Hiện công ty hạt nhân NuScale Power Mỹ đang nhắm tới mục tiêu phổ biến SMR trên thế giới.
Theo Nikkei Asia trích dẫn bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về kế hoạch xây dựng một lò phản ứng SMR của NuScale tại Romania, chính phủ Mỹ đang có mong muốn “thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đột phá này”.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đang có kế hoạch xây dựng 8 lò phản ứng mới, trong đó có một lò tại nhà máy điện hạt nhân Oma hiện đang được xây dựng ở tỉnh Aomori. Việc sàng lọc các lò phản ứng trên vốn bị đình trệ sau khi các tiêu chuẩn an toàn được thắt chặt sau thảm họa Fukushima, nhưng chính phủ Nhật Bản đã thay đổi hướng tiếp cận do thiếu điện.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong ngành năng lượng hạt nhân đã suy yếu. Xuất khẩu liên quan đến năng lượng hạt nhân của nước này đã giảm từ 943 triệu USD năm 2010 xuống còn 153 triệu USD năm 2020. Không chỉ Nhật Bản mà Mỹ cùng nhiều quốc gia châu ÂU cũng ghi nhận sự sụt giảm tương tự.
Nikkei Asia trích dẫn một quan chức từ Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên và Năng lượng Nhật Bản cho biết: "Chuỗi cung ứng ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã suy yếu do các yếu tố như các kỹ sư nghỉ hưu”. Ngoài ra, nhiên liệu hạt nhân cũng là một điểm yếu khác trong chuỗi cung ứng hạt nhân của các nước này. Hiện Nga vẫn là nước sở hữu công nghệ dẫn đầu về quá trình làm giàu uranium.
Hồi tháng 4, Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Nhật Bản đã thành lập một liên minh nhiên liệu hạt nhân với mục đích ngăn chặn nhiên liệu của Nga tiếp cận các lò phản ứng của phương Tây. Tuy nhiên, việc này khó có thể đạt được thành công.