Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Uzbekistan, khi Bắc Kinh và Moscow tăng cường hợp tác kinh tế trong bối cảnh đối mặt với các lệnh trừng phạt và chỉ trích của phương Tây.
Tình hữu nghị “không có giới hạn”
Theo Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ngày 15 - 16.9 tới.
Cuộc gặp là tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ấm lên giữa Trung Quốc và Nga, hai nước đã tuyên bố tình hữu nghị “không có giới hạn” trong bối cảnh những thách thức kinh tế trong nước đang gia tăng và mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh ở nước ngoài. Ngoài ra, nhiều nhà quan sát nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin cũng có thể lên kế hoạch tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11 tới.
Theo Al Jazeera, cách đây mấy hôm, tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga cho biết, họ đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giải quyết thanh toán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ và đồng rouble thay vì USD. Thực tế, đây là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ sau khi phải hứng chịu nhiều vòng trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Bây giờ, Nga là thị trường lớn thứ ba cho các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2, và diễn ra khi nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 bằng chuyến thăm đến Kazakhstan vào tuần tới (14.9). Cuộc họp cũng diễn ra chỉ vài tuần trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX diễn ra vào giữa tháng 10.
Sẽ “thiết lập những kỷ lục mới”
Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis ở Hong Kong nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin nhiều khả năng sẽ công bố các dự án kinh tế chung ở Trung Á, có khả năng bao gồm các đường ống dẫn năng lượng mới. Đồng thời, bà mô tả thời điểm cuộc gặp chỉ hai tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 là “táo bạo”. Theo bà García Herrero, các cuộc đàm phán cũng có thể dẫn đến việc công bố đầu tư hoặc hỗ trợ của Trung Quốc đối với một số lĩnh vực của nền kinh tế vốn đang bị Mỹ và phương Tây bao vây của Nga.
Nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt trên diện rộng, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 4% trong quý II. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang căng thẳng nghiêm trọng do chiến lược “zero Covid” cực kỳ nghiêm ngặt, tiếp tục bắt buộc thực hiện các biện pháp đóng cửa và kiểm soát biên giới khi đại dịch kéo dài gần đến năm thứ ba. Cho đến nay, Bắc Kinh luôn từ chối lên án chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, cũng như phản đối các lệnh trừng phạt diện rộng nhằm vào nền kinh tế Nga. Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác kinh tế với đối tác của mình, chẳng hạn như bằng cách tăng cường nhập khẩu dầu của Nga và dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với lúa mỳ Nga.
Hồi tháng 6, phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông kỳ vọng thương mại Trung - Nga sẽ thiết lập “những kỷ lục mới” trong những tháng tới, đó là minh chứng cho “sự hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia của chúng ta”. Ông Qinduo Xu, một thành viên cấp cao tại Viện Pangoal ở Bắc Kinh cho biết, cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin báo hiệu rằng hai nước sẽ tiếp tục theo đuổi “mối quan hệ bình thường” và chia sẻ “tầm nhìn mới” về trật tự toàn cầu.
Chia sẻ với Al Jazeera, ông Qinduo Xu cho hay “Trung Quốc, Ấn Độ nằm trong tổng số 15 quốc gia tham gia cuộc tập trận quân sự Vostok - 2022 do Nga dẫn đầu ở Viễn Đông; Trung Quốc và Nga đã thống nhất giá cung cấp khí đốt qua đường ống từ Tây Siberia đến Trung Quốc. Cả hai cũng đồng ý về việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và rouble để thay thế USD trong các khoản thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt”.
Ông Qinduo Xu nói, “mối quan hệ của họ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng và sâu sắc hơn nữa trên nhiều lĩnh vực với cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo, chủ yếu là nhờ sự tin tưởng chính trị và khả năng bổ sung kinh tế cho nhau, cũng như một phần là do Mỹ gây căng thẳng với cả Bắc Kinh và Moscow”.
Giá trị địa chính trị
Đối với cả hai nhà lãnh đạo, cuộc gặp sắp tới có giá trị địa chính trị quan trọng. Theo The Diplomat, Nga kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã phải chịu áp lực quốc tế đáng kể. Trong khi đó, Trung Quốc giữ quan điểm NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến, đồng thời kêu gọi ngừng chiến và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là sự ủng hộ Nga nhiều hơn so với những gì xứ sở Bạch Dương nhận được từ các quốc gia Trung Á. Thực tế, các quốc gia Trung Á duy trì tình trạng trung lập tùy mức độ. Trên bình diện toàn cầu tại Liên Hợp Quốc, các quốc gia Trung Á hoặc bỏ phiếu trắng hoặc đứng về phía Nga.
Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh phải nhận những lời chỉ trích ngày càng gia tăng của Mỹ và phương Tây về Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương. Về phần mình, Nga không chỉ trích Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Khi mối quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây trở nên căng thẳng, Moscow vẫn là một người bạn. Theo cách này, mặc dù mối quan hệ có những động lực riêng, nhưng Trung Quốc và Nga chia sẻ những vị trí chiến lược đáng kể so với phương Tây, điều đó khiến họ gắn bó chặt chẽ với nhau.
Cũng đáng chú ý là Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Trung Á làm địa điểm cho chuyến công du được nhiều người mong đợi của ông. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hơn hai năm rưỡi đã được tranh luận sôi nổi vào tháng trước, với tin đồn rằng ông sẽ thăm Ảrập Xêút hoặc ở Trung Quốc cho đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Cuối cùng, việc ông chọn Kazakhstan là lời nhắc nhở khác về vai trò quan trọng của Trung Á trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trước đó, hồi tháng 6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đến Kazakhstan để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao “Trung Quốc + Trung Á” (C + C5). Tháng sau, ông trở lại Trung Á, dừng chân ở Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc tiến sâu vào Trung Á có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga. Thực tế, trong nhiều thập kỷ sau thời điểm 1990, Nga nỗ lực duy trì ảnh hưởng khắp Trung Á bằng những liên minh kinh tế và quân sự với các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, trước mắt, Trung Á đủ lớn cho cả hai quốc gia. Hơn nữa, lợi ích của Moscow và Bắc Kinh đủ phù hợp để họ không phải đọ sức với nhau trong khu vực. Có thể nói, khu vực Trung Á đóng vai trò là vùng đệm quan trọng đối với mối quan hệ Trung Quốc - Nga.