Nga vẫn đẩy mạnh khoan dầu bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
Dữ liệu cho thấy Nga ước tính đạt kỷ lục khoan dầu năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023. Điều này cho thấy khả năng thích ứng tốt của Moscow trước các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo số liệu của Bloomberg, trong 11 tháng đầu năm 2023, Nga đã khoan các giếng sản xuất dầu với tổng độ sâu 28.100 km. Theo các nhà phân tích của nhà cung cấp dữ liệu Kpler và hãng tư vấn Ykov & Partners, trong cả năm 2023, tổng độ sâu khoan dầu của Nga dự kiến đạt tới 30.000 km, đánh bại kỷ lục được thiết lập hồi năm 2022.
Cơn bùng nổ trong hoạt động khoan dầu diễn ra cùng với sự phục hồi cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu dầu của Nga. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang nỗ lực duy trì sản lượng từ các giếng lâu đời nhất, trong khi các dự án mới nhằm duy trì sản xuất trong những thập niên tới phải thích ứng với hoàn cảnh đã thay đổi của đất nước.
“Nga về cơ bản độc lập hơn trong các dịch vụ mỏ dầu so với mức được đánh giá chung”, Ronald Smith, nhà phân tích dầu khí của BCS Global Markets ở Moscow, nhận định.
Hoạt động khoan dầu của Nga vẫn diễn ra sôi động bất chấp áp lực trừng phạt của các nước phương Tây đối với ngành năng lượng của nước này. Trong đó, nổi bật nhất là cấm vận dầu và nhiên liệu, áp dụng chính sách giá trần đối với dầu Nga và cấm xuất khẩu công nghệ quan trọng sang Nga.
Năm ngoái, Mỹ trừng phạt hàng chục công ty sản xuất thiết bị khoan dầu và phát triển kỹ thuật sản xuất dầu mới, nhằm “hạn chế khả năng khai thác trong tương lai của Nga”. Trong năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã áp chính sách hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng ở Nga.
Hai trong số những nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới là Halliburton Co. và Baker Hughes Co., đã bán các đơn vị kinh doanh ở Nga. Hai công ty dịch vụ dầu mỏ lớn khác là SLB và Weatherford International, tiếp tục hoạt động tại Nga nhưng cho biết sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt.
Dữ liệu chỉ ra rằng, các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu nhằm vào ngành năng lượng Nga phần lớn đã thất bại. “Chỉ khoảng 15% thị trường khoan nội địa của Nga phụ thuộc vào công nghệ từ những nước được xem là không thân thiện”, Daria Melnik, Phó Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy cho hay.
Việc các công ty dịch vụ dầu khí lớn của phương Tây rút khỏi Nga chỉ gây tác động tối thiểu vì họ để lại tài sản gần nguyên vẹn ở Nga. Kỷ lục khoan dầu là dấu hiệu cho thấy khả năng chống chịu của Nga trước các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây.
Trong những năm qua, sự tăng giảm của hoạt động khoan dầu của Nga phần lớn diễn ra đồng bộ với những thay đổi về sản lượng. Tuy nhiên, trong năm 2023, cơn bùng nổ hoạt động khoan diễn ra cùng với việc cắt giảm sản lượng dầu mà Moscow đang thực hiện cùng với các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Điều đó cho thấy Nga tăng tốc khoan dầu ở các địa điểm mới vì đây là điều cần thiết để duy trì sản lượng trong tương lai.
“Lý do chính cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực khoan dầu của Nga là nhu cầu triển khai các giếng mới. Các giếng mới cần phải đưa vào hoạt động vì các giếng hiện tại dần cạn kiệt”, Gennadii Masakov, giám đốc trung tâm nghiên cứu của Ykov & Partner giải thích.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, tính đến năm 2022, các mỏ dầu hoạt động hơn 5 năm chiếm gần 96% tổng sản lượng dầu của Nga. Theo báo cáo, nhiều dự án mỏ dầu của Nga đã vượt qua mức đỉnh sản lượng từ lâu.
Sergey Vakulenko, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành khoan dầu ở Nga cho rằng, sự suy giảm tự nhiên về sản lượng ở các mỏ dầu là vấn đề mà ngành công nghiệp dầu khí của Nga đối mặt thường xuyên. Thực trạng cần được bù đắp bằng hoạt động khoan mới tại các mỏ hiện tại hoặc tại các địa điểm hoàn toàn mới.
Ông cho biết, các dự án mỏ dầu mới được lên kế hoạch sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, thường sử dụng công nghệ phương Tây. Do đó, Nga cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với các công nghệ mà nước này đang có. Ngành công nghiệp dầu mỏ Nga có thể phải triển khai các giếng dầu sử dụng công nghệ đơn giản hơn.
“Điều này sẽ khiến các giếng dầu chỉ đạt năng suất thấp và chi phí sản xuất mỗi thùng dầu tốn kém hơn”, ông nói.
Theo Bloomberg