Ngã vào tấm tôn, chàng trai 24 tuổi sốc nặng, cấp cứu vì máu phun thành tia
Trong lúc làm việc, N.V.L bị ngã vào tấm tôn lạnh. Sau tai nạn, vết thương cánh tay phải chảy máu phun thành tia, mất máu nhiều. Người bệnh đã được đưa đến sơ cứu tại phòng khám tư nhân, sau đó chuyển thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Ảnh minh họa: Internet
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu thành công, giữ lại cánh tay cho người bệnh N.V.L 24 tuổi trú tại Ba Vì – Hà Nội do bị tai nạn lao động.
Theo lời kể của gia đình người bệnh: Trong lúc làm việc, người bệnh bị ngã vào tấm tôn lạnh. Sau tai nạn, vết thương cánh tay phải chảy máu phun thành tia, mất máu nhiều. Người bệnh đã được đưa đến sơ cứu tại phòng khám tư nhân, sau đó chuyển thẳng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Người bệnh vào viện trong tình trạng sốc mất máu, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp 80/40 mmHg. Người bệnh nhanh chóng được tiến hành hồi sức tại Khoa Cấp cứu. Tiến hành hội chẩn các chuyên khoa: Chấn thương, Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực; người bệnh đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ngay lập tức người bệnh được chuyển lên phòng mổ của Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực – Trung tâm Tim mạch. Kiểm tra trong quá trình phẫu thuật, tổn thương đứt đoạn động mạch cánh tay phải không thể nối trực tiếp được. Ekip phẫu thuật đã lấy tĩnh mạch từ đùi để ghép động mạch, phục hồi lưu thông mạch máu cho người bệnh.
Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, mạch tay phải lưu thông tốt. Sau phẫu thuật gần 1 tuần người bệnh đã được xuất viện.
Bác sĩ Trương Văn Hải – Đơn vị Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực - Trung tâm Tim mạch cho biết: Trường hợp của người bệnh này, nếu không được phẫu thuật kịp thời nguy cơ thiếu máu cẳng bàn tay ko hồi phục dẫn đến phải cắt cụt tay. Thông thường, các vết thương mạch sẽ được nối mạch trực tiếp, nhưng do trường hợp này, người bệnh bị mất đoạn mạch dài 7cm nên không thể nối trực tiếp được. Chúng tôi đã phẫu thuật ghép động mạch cánh tay bằng tĩnh mạch hiển đảo chiều cho người bệnh.
Bác sĩ cho biết thêm: Trường hợp này tổn thương mạch máu, và cơ cẳng tay; nên người bệnh sau phục hồi tay sẽ trở về gần như bình thường.