Ngại đi khám chữa bệnh vì sợ Covid-19

Lượng người đến khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, do người dân e ngại đến bệnh viện trong thời điểm đang có dịch Covid-19

Nhiều người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, do đã trì hoãn đi khám bệnh hoặc tự chữa bệnh bằng cách ra mua thuốc ở nhà thuốc tây.

Nhập viện cấp cứu vì trì hoãn đi khám bệnh

Hơn 1 tháng nay, bà Trần Thị T. (72 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trì hoãn đi khám bệnh chỉ vì sợ dịch Covid-19. Vốn bị mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp lại hở van tim nên định kỳ hằng tháng bà T. đều đến bệnh viện (BV) khám và lấy thuốc theo chế độ BHYT. Gần đây, thấy tình hình dịch bệnh ở TP Hà Nội phức tạp, bà T. mang đơn thuốc ra hiệu thuốc gần nhà nhờ nhân viên bán hàng tư vấn để tự mua thuốc.

Không có đúng loại thuốc bác sĩ đã cho, người bán tư vấn bà T. dùng sang thuốc khác nhưng cùng hoạt chất. Chỉ sau vài ngày đổi thuốc, bà T. thấy bồn chồn, huyết áp không ổn định. Mới đây, bà T. lại bị mệt, đo thấy huyết áp tụt xuống thấp, mồ hôi đầm đìa, các con đã đưa bà T. đến BV. Tại đây, bác sĩ cho biết do bà tự đổi thuốc và điều chỉnh liều thuốc đã khiến bệnh tình thêm phức tạp.

Trong khi đó, chị Hoàng Thu H. (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) sợ đưa con đến BV khám sẽ bị nhiễm thêm các bệnh khác, nên khi thấy con trai 14 tháng tuổi khò khè, chảy nước mũi, ngạt mũi, đã tự mua thuốc ho và xông mũi, họng cho con. Đến khi con khó thở, sốt cao, ho nhiều mới đưa đến BV khám thì được chẩn đoán viêm phế quản.

Ghi nhận tại nhiều BV trên địa bàn TP Hà Nội như Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Nam - Cuba…, số lượng bệnh nhân đến khám giảm 30%-50%. Lý giải tình trạng này, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp BV Thanh Nhàn (TP Hà Nội), cho rằng nguyên nhân do người dân sợ sự lây lan của dịch Covid-19 nên ngại hoặc trì hoãn việc đi khám bệnh. Điều này khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì bệnh trở nặng, làm cho việc điều trị cũng khó khăn hơn.

Gần đây nhất là trường hợp một nam thanh niên ngoài 30 tuổi bị sốt, ho, sợ sẽ bị cách ly bởi có dấu hiệu bệnh gần giống Covid-19, anh đã ra nhà thuốc tự mua thuốc. Sau mấy ngày uống thuốc, bệnh nặng hơn, khó thở, đau ngực, sốt cao, gia đình đưa anh vào BV thăm khám mới phát hiện bị viêm phổi nặng.

Người đã sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy, giúp nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi Ảnh: THU HÀ

Người đã sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy, giúp nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi Ảnh: THU HÀ

Bảo đảm an toàn cho người bệnh

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết thời gian gần đây, BV liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hôn mê do tăng đường máu... Hầu hết những trường hợp này là do quên uống thuốc và sợ dịch Covid-19 nên không dám đến BV khám bệnh. May mắn là các trường hợp vừa nêu trên đều được cấp cứu kịp thời và điều trị thành công.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, BV tuy có nguy cơ cao trong dịch bệnh nhưng đã được tổ chức chặt chẽ và khoa học nhất để phòng ngừa lây lan virus. "Với việc phân luồng và giám sát chặt chẽ, những người phải tái khám nếu được trang bị kiến thức dự phòng đúng mà các phương tiện truyền thông đã hướng dẫn rất rõ ràng thì nguy cơ lây nhiễm cũng ở mức thấp. Những người quá lo lắng hay có nguy cơ cao lây nhiễm nếu không thể đến BV thì nên sử dụng các đường dây chăm sóc khách hàng để tư vấn việc duy trì điều trị. Các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường…, những thuốc bác sĩ đã kê toa thì phải uống đúng liều, đúng cữ, tuyệt đối không được dừng đột ngột vì sẽ gây hậu quả khôn lường" - PGS Nguyễn Lân Hiếu khuyến cáo.

Trước tình hình dịch bệnh, thời gian qua, nhiều BV đã thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, bảo đảm an toàn cho người dân khi đến BV. GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trung ương, cho biết BV đã bổ sung nhiều điểm sàng lọc tại các vị trí trong BV; khu vực cách ly đã sẵn sàng ứng phó nếu có trường hợp nghi ngờ và tiếp tục triển khai chặt chẽ nhiều phương án để ngăn ngừa dịch bệnh.

Các chốt sàng lọc dịch bệnh ban đầu đều chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay và khẩu trang, có nhân viên hướng dẫn và phát cho những người chưa đeo khẩu trang. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được phân luồng đến khu vực cách ly để thăm khám. Người đã sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy, giúp nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi.

Với diễn biến của dịch như hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, hiểu đúng, đủ, cơ chế lây nhiễm của bệnh, phối hợp và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan y tế nhằm bảo đảm an toàn cho gia đình, người thân và cộng đồng trước dịch bệnh Covid-19.

Để giảm nguy cơ lây lan Covid-19 và phát hiện sớm các ca nghi ngờ mắc Covid-19, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết bộ đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý điều trị ca bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh chỉ dẫn phân luồng ngay tại cổng cơ sở khám chữa bệnh cho các đối tượng có triệu chứng lâm sàng như: sốt, ho, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19 tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng biệt.

Bố trí khu khám riêng

PGS-TS Lương Ngọc Khuê lưu ý hệ thống cơ sở y tế tư nhân thường được người nước ngoài, người có thu nhập cao, khách du lịch... lựa chọn để khám chữa bệnh nên đây là nơi có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Do đó, cơ sở y tế tư nhân cần sàng lọc ngay từ cổng vào, bố trí khu vực khám riêng cho các đối tượng có bệnh lý hô hấp cấp tính, nhằm tránh lây nhiễm trong BV.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/ngai-di-kham-chua-benh-vi-so-covid-19-20200316204337141.htm