Ngại xin tăng lương dù nhận 15.000 đồng/giờ làm phục vụ

Nếu được đề nghị tăng lương theo mức mới, Linh (20 tuổi) sẽ rất vui song nếu để cô chủ động đề cập với chủ thuê, câu trả lời sẽ là không vì cảm thấy ngại, khó nói.

Sau 2 năm làm nhân viên bán hàng tại một shop quần áo ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), Linh (sinh viên năm 3 ĐH Tài nguyên và Môi trường) hiện nhận mức lương 17.000 đồng/giờ. Khi Linh mới vào làm, con số này chỉ là 15.000 đồng.

“Nơi mình làm việc vẫn áp dụng mức lương 15.000 đồng/giờ cho nhân viên mới và tăng lên theo thời gian làm việc. Theo mình biết, đây cũng là mức mặt bằng chung dành cho nhân viên bán thời gian ở nhiều cửa hàng hiện nay”, Linh nói với Zing.

Tuy nhiên, nếu theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ, dự kiến áp dụng từ 1/7, mức đãi ngộ này sẽ thay đổi.

Cụ thể, nếu đề xuất được thông qua, lương tháng tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Lương tối thiểu theo giờ cũng được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

“Tất nhiên nếu được tăng lương thì tốt, nhưng có lẽ mình sẽ không trực tiếp đề nghị thỏa thuận với chủ quán mà đợi chị ấy chủ động đề xuất. Dù sao mình cũng làm việc lâu rồi, nói ra khá ngại”, Linh chia sẻ.

 15.000-17.000 đồng là mức lương theo giờ của nhiều nhân viên bán thời gian ở các cửa hàng. Ảnh: Đào Phương.

15.000-17.000 đồng là mức lương theo giờ của nhiều nhân viên bán thời gian ở các cửa hàng. Ảnh: Đào Phương.

Ngại đề cập chuyện lương

Cửa hàng quần áo Linh làm việc chia thời gian thành 3 ca: sáng (10h-14h), chiều (14h-17h30) và tối (17h30-21h). Mỗi tuần, các nhân viên sẽ chủ động đăng ký ca làm việc và sắp xếp sao cho hợp lý rồi báo lại chủ quán, mỗi ca chỉ có một người làm. Vì phần lớn đều là sinh viên, việc có thể làm theo ca như vậy giúp họ linh hoạt thời gian và cân bằng với việc học.

“Công việc của bọn mình chủ yếu là dọn dẹp cửa hàng, sắp đồ, tư vấn cho khách và thanh toán, nói chung là bao quát hết vì cửa hàng cũng nhỏ. Những việc này mình thấy không khó, cũng không mấy nặng nhọc”, Linh nói.

Nếu làm đều 5-6 ca tuần, Linh có thêm một khoản tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Ngoài ra, vào những tháng có doanh thu cao, cô có thể nhận thêm tiền thưởng, trung bình 500.000 đồng.

Về đề xuất lương tối thiểu theo giờ, Linh cho biết cô sẽ rất vui nếu được áp dụng nhưng nếu không cũng “không sao” vì chấp nhận được mức lương hiện tại.

 Nhân viên trẻ ngại đề cập chuyện lương, thưởng với chủ vì ngại ngần. Ảnh: Phương Lâm.

Nhân viên trẻ ngại đề cập chuyện lương, thưởng với chủ vì ngại ngần. Ảnh: Phương Lâm.

“Môi trường làm ở đây thoải mái, mình thân quen với chủ quán và được anh chị hỗ trợ nhiều, nếu tự đòi tăng lương thì sẽ tạo không khí không hay. Bên cạnh đó, quán cũng mới mở lại được một thời gian sau dịch, doanh thu chưa phục hồi, mình cũng hiểu và thông cảm cho anh chị chủ quán”, Linh giải thích cho sự ngại ngần của mình.

Chung suy nghĩ, Phạm Lan Phương (23 tuổi, quê Phan Thiết) cũng cảm thấy khó mở lời hỏi chuyện lương bổng dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn vì bão giá.

Phương là nhân viên toàn thời gian tại một quán cà phê ở quận Gò Vấp (TP.HCM) khoảng một năm nay. Cô cho biết lương của nhân viên được tính theo giờ làm là 19.000 đồng/tiếng, phụ cấp ăn uống, cộng thêm hoa hồng từ doanh thu.

 Phần lớn nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng tại các điểm kinh doanh dịch vụ là người làm việc bán thời gian, lương tính theo giờ. Ảnh: Phương Thảo.

Phần lớn nhân viên phục vụ, nhân viên bán hàng tại các điểm kinh doanh dịch vụ là người làm việc bán thời gian, lương tính theo giờ. Ảnh: Phương Thảo.

“Lương tính theo giờ nên mình thường xuyên tăng ca để có mức thu nhập tốt hơn. Hiện tại, với mức lương cộng thưởng hàng tháng, mình có thể trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên rất khó để có thể tiết kiệm hay gửi về cho bố mẹ”, Phương nói.

Trước đây, Lan Phương ở trọ một mình, tuy nhiên giá thuê nhà cùng sinh hoạt phí đắt đỏ buộc cô phải ở ghép với một người khác.

“Mình không có bạn bè thân quen nên chấp nhận ở ghép cùng người lạ. Mỗi tháng, tiền nhà, điện nước hết gần 2 triệu đồng. Ngoài các khoản chi tiêu cố định, mình cố gắng để dành 2 triệu đồng phòng khi khẩn cấp. Tuy nhiên, khoản tiết kiệm đó cũng ngày càng khó hơn vì mọi thứ đều tăng giá”, cô liệt kê.

Cách đây 2 tháng, chủ nhà trọ của Phương thông báo giá thuê phòng sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng, do vật giá leo thang. Từ đó, gánh nặng chi phí mỗi tháng sẽ đội lên một khoản không nhỏ.

Lan Phương bất ngờ khi phóng viên đề cập đến mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng cũng như thông tin về lương tối thiểu theo giờ.

“Từ trước tới nay mình không biết các quy định về lương tối thiểu. Nếu sắp tới được tăng lương thì tất nhiên mình rất vui. Mình nghĩ đây cũng là điều cần thiết, như vậy mới đủ để trang trải cho đời sống hàng ngày. Nhưng đó là nếu chủ đề cập, còn mình sẽ không dám hỏi", Phương giải thích.

Chấp nhận mức lương thấp

Ngô Thị Hường (sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) mới làm thêm tại Tiệm lẩu Cù Lao (quận Bình Thạnh, TP.HCM) 2 tháng nay. Nữ sinh quê Bình Phước cho biết cảm thấy may mắn khi được trả mức lương khá cao so với mặt bằng chung tại thành phố.

 Hường được trả công 23.000 đồng/giờ khi làm việc tại quán lẩu. Ảnh: Đào Phương.

Hường được trả công 23.000 đồng/giờ khi làm việc tại quán lẩu. Ảnh: Đào Phương.

Đi học buổi sáng, sau khi ăn trưa ở nhà, Hường tới quán làm việc từ 14h đến 22h.

Cô và các nhân viên được trả mức lương 23.000 đồng/giờ, cộng thêm phụ cấp ngày cuối tuần và tiền bo từ khách.

“Thu nhập hàng tháng đủ để mình trang trải các chi phí cơ bản mà không cần xin hỗ trợ từ gia đình. Hiện tại, mình thuê trọ chung với một bạn học cùng trường. Mỗi tháng, mình chi cho các khoản cố định như tiền nhà trọ, tiền ăn uống và học phí. Giá cả nhiều mặt hàng đang tăng cao nhưng mình chưa thấy khó khăn vì lương tháng vẫn đủ chi tiêu”, Hường kể.

Chị Nguyễn Diễm My (quản lý quán lẩu) nói với Zing hiện tại giá cả leo thang khiến nhiều cơ sở kinh doanh nói chung bị ảnh hưởng, ngành hàng ăn uống cũng không tránh khỏi “cơn bão” này. Tuy nhiên, lượng khách đông nên quán không quá khó khăn để cân đối chi phí.

“Nhân viên ở đây đa phần là sinh viên. Doanh thu ổn nên quán có thể trả mức lương tốt cho các bạn. Ngoài lương tính theo giờ, quán còn thưởng thêm cho các bạn làm việc chăm chỉ, trung bình mỗi ngày các bạn có thu nhập khoảng 210.000 - 250.000 đồng”, chị My cho biết.

Còn đối với Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 2001, sinh viên Học viện Ngân hàng), cô sẵn sàng chấp nhận mức thấp hơn một chút miễn là có môi trường làm việc ưng ý, tự do.

Hiện, quán cà phê cô làm việc chi trả cho nhân viên 17.000 đồng/giờ, riêng nhân viên kiêm thêm việc dắt, trông xe cho khách là 20.000 đồng/giờ.

 Hằng chấp nhận mức lương hiện tại vì ưu tiên môi trường làm việc và nhận nhiều hỗ trợ từ chủ. Ảnh: Ánh Hoàng.

Hằng chấp nhận mức lương hiện tại vì ưu tiên môi trường làm việc và nhận nhiều hỗ trợ từ chủ. Ảnh: Ánh Hoàng.

“Anh chủ quán ở đây rất tốt, luôn hỗ trợ bọn mình và rất hay thưởng thêm, từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Vì vậy, nếu với mức lương mới, mình cũng chỉ được thêm mỗi tháng vài trăm nghìn đồng, ngang số tiền thưởng hiện tại. Tất nhiên nếu chủ quán chủ động tăng thì mình vui chứ, nếu không thì mình cũng đành chấp nhận”, cô kể.

Đối với Hằng, cô ưu tiên môi trường, không khí làm việc nên sẵn sàng chọn nơi trả lương thấp hơn nhưng đem lại sự thoải mái. Vì chủ dễ tính, Hằng có thể chủ động xin nghỉ phép, bày tỏ ý kiến cá nhân và tiếp thu được nhiều kinh nghiệm.

“Bình thường ca sáng, bọn mình cần đến lúc 8h để dọn dẹp và mở cửa nhưng nếu có việc bận thì chỉ cần báo một câu, chủ quán sẵn sàng cho lùi lại đến 10h. Anh cũng khuyến khích bọn mình sáng tạo các món nước uống mới và hỗ trợ tập luyện nâng cao tay nghề”, Hằng bày tỏ.

“Nói chung so với mức lương hiện tại, tăng thêm mấy nghìn đồng/giờ thì không có nhiều khác biệt lắm. Nếu tăng từ 17.000 đồng lên 40.000-50.000 đồng thì mình mới cân nhắc chủ động thỏa thuận lại, đó là quan điểm của riêng mình”, cô nói thêm.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Thế giới, lương tối thiểu "là mức thù lao tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động với khối lượng công việc được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định".

Mục đích là giúp người lao động không bị trả lương thấp một cách vô lý, đồng thời đảm bảo công bằng khi phân chia thành quả và giúp người lao động có mức sống tối thiểu.

Tại Mỹ, từ 2009, mức lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ. Tùy mỗi bang sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Tại Anh, mỗi độ tuổi lao động sẽ có mức lương tối thiểu khác nhau. Ví dụ, nhân viên rời trường học đến dưới 18 tuổi và thực tập sinh khoảng 4,81 bảng. 18-21 tuổi là 6,83 bảng. 21-22 tuổi nhận 9,18 bảng. Trên 23 tuổi là 9,5 bảng.

Không nhiều nơi tại châu Á quy định rõ ràng về mức lương tối thiểu. Nhật Bản trả lương tối thiểu giờ khoảng 8,46 USD. Trong khi con số này tại Hàn Quốc là 8 USD/giờ.

Ánh Hoàng - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngai-xin-tang-luong-du-nhan-15000-donggio-lam-phuc-vu-post1325560.html