Ngắm dàn chiến mã tinh nhuệ tập luyện cho lễ diễu binh 2/9
Dưới nắng mưa thao trường, các chiến sĩ kỵ binh cùng những chiến mã bền bỉ luyện tập, sẵn sàng cho màn diễu binh đầy khí thế nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Giữa cái nắng oi ả và những cơn mưa dông bất chợt của miền trung du, trên thao trường Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh (Thái Nguyên), những bước chân mạnh mẽ của chiến mã cùng tiếng hô vang dội của các chiến sĩ vẫn đều đặn vang lên mỗi ngày. Lực lượng kỵ binh tinh nhuệ đang bước vào giai đoạn huấn luyện nước rút, sẵn sàng cho màn xuất quân đặc biệt tại lễ diễu binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025).

Từ 7h, không khí thao trường đã náo nhiệt. Đội hình kỵ binh chia thành từng tốp nhỏ, tuần tự luyện tập từ động tác cơ bản đến đội hình tổng hợp.


Những chú ngựa thân hình vạm vỡ, được trang bị giáp bảo hộ chắc chắn, di chuyển nhịp nhàng dưới sự chỉ huy nghiêm ngặt của các chiến sĩ cảnh sát cơ động. Mỗi bước chạy, mỗi vòng quay đều tuân thủ chính xác theo hiệu lệnh.

“Đây là thời điểm huấn luyện căng thẳng nhất, vì chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày chính thức. Khối kỵ binh chúng tôi xác định nhiệm vụ lần này không chỉ là trình diễn sức mạnh mà còn đại diện cho hình ảnh hiện đại, kỷ luật của lực lượng Công an Nhân dân”, một chiến sĩ cảnh sát cơ động kỵ binh chia sẻ.


Được biết, trong đợt huấn luyện lần này, 62 chiến sĩ cùng 62 chiến mã được lựa chọn từ các đơn vị tinh nhuệ nhất của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh.

Những chú ngựa có thể hình khỏe mạnh, đạt chuẩn từ 300 đến 400 kg, đã qua huấn luyện đặc biệt để thích nghi với các hoạt động nghiệp vụ cũng như diễu hành lễ nghi.

Dự kiến trong ngày Quốc khánh 2/9, sẽ có 52 ngựa trực tiếp tham gia diễu binh, 10 chú ngựa còn lại đóng vai trò dự phòng, đảm bảo quân số đầy đủ trong mọi tình huống.

Ngoài những bài tập về đội hình, kỵ binh còn phải thực hiện nhuần nhuyễn kỹ năng đồng bộ giữa chiến sĩ và ngựa.


Điều đặc biệt khó khăn chính là giữ vững hàng ngũ trên quãng đường diễu binh kéo dài hàng cây số, dưới thời tiết nóng nắng của mùa hè miền Bắc.

“Các chiến sĩ phải điều chỉnh tư thế ngồi vững vàng trên lưng ngựa suốt thời gian dài, không xô lệch, không sai động tác. Một chú ngựa lỡ nhảy chồm lên hay phân tán là đội hình có thể bị phá vỡ", chiến sĩ cảnh sát kỵ binh chia sẻ.

Sau những giờ tập luyện căng thẳng trên thao trường, các chiến mã được tháo giáp, vệ sinh sạch sẽ, đưa về khu chuồng nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày huấn luyện tiếp theo.

Khoảng thời gian nghỉ ngơi này không chỉ giúp ngựa hồi phục thể lực mà còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng sau các bài huấn luyện cường độ cao.

Không chỉ là phương tiện nghiệp vụ, với các chiến sĩ cảnh sát cơ động kỵ binh, những chú ngựa chính là người bạn đồng hành thân thiết, là biểu tượng của sức mạnh, của kỷ luật thép.


Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) được thành lập từ đầu năm 2020, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác hiện đại hóa lực lượng Công an Nhân dân. Ngoài nhiệm vụ chính là huấn luyện, sử dụng ngựa phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở các địa bàn đặc thù, lực lượng kỵ binh còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, tuần tra kiểm soát khu vực miền núi, địa hình phức tạp.

Đội ngũ chiến sĩ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản. Các chiến mã được nhập khẩu từ các nước có truyền thống huấn luyện ngựa nghiệp vụ, sau đó chăm sóc, nhân giống ngay tại Việt Nam. Với trang bị hiện đại, khả năng cơ động linh hoạt, lực lượng kỵ binh được coi là “cánh tay nối dài” đặc biệt của Cảnh sát cơ động trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.