Ngắm dàn kỵ binh tinh nhuệ sẵn sàng cho ngày đại lễ
Tại Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), đội kỵ binh của Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh (K02 - Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an) đang bước vào giai đoạn huấn luyện cao điểm, sẵn sàng cho lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2025).
Theo Thượng tá Lê Sỹ Hà, thành viên Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an, Chỉ huy trưởng khối Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, việc di chuyển ngựa từ miền Bắc vào miền Nam là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đặc biệt trong điều kiện thay đổi khí hậu giữa hai vùng.
"Thời điểm chúng tôi di chuyển, ngoài Bắc đang vào cuối mùa lạnh, trong khi miền Nam, đặc biệt là khu vực TPHCM, đang ở giai đoạn cuối mùa khô, khí hậu oi bức, nắng gắt. Vì vậy, việc đầu tiên là phải làm sao cho cả người và ngựa thích nghi với điều kiện thời tiết mới," Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ.



Mỗi ngày, đội kỵ binh gồm 62 chiến sĩ CSCĐ và 62 chú ngựa tập luyện từ 7 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Để đảm bảo thể trạng và tinh thần tốt nhất cho lực lượng kỵ binh, quá trình huấn luyện được xây dựng theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp. Giai đoạn đầu là làm quen với môi trường, khí hậu, sau đó tiến hành tập luyện theo đúng nội dung, giáo trình, giáo án đã được phê duyệt.


Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, người và ngựa đã phối hợp rất nhuần nhuyễn. Ngựa hiểu người và người cũng hiểu được ngựa. Sự phối hợp ăn ý này là kết quả của quá trình huấn luyện công phu, tỉ mỉ và bài bản".


Hăng say luyện tập. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG


Phút giây thư giãn trên lưng ngựa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mỗi chú ngựa trong đội hình có trọng lượng từ 300 - 400kg, được trang bị giáp bảo hộ toàn thân, đặc biệt ở các khớp chân và đầu gối để đảm bảo an toàn trong quá trình huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.
Giống ngựa được lựa chọn cho lực lượng kỵ binh là giống có sức bền, khả năng chịu đựng cao và đặc biệt là tính kỷ luật tốt. Theo Thượng tá Lê Sỹ Hà, những con ngựa này có thể cảm nhận và phản ứng theo mệnh lệnh của người điều khiển một cách linh hoạt. Việc hình thành phản xạ giữa người và ngựa là thành quả của quá trình huấn luyện kéo dài, trong đó mỗi bước đi, mỗi động tác đều được rèn luyện lặp lại cho đến khi đạt sự ăn ý tuyệt đối.

Là người có nhiệm vụ cầm cờ Tổ quốc trong đội hình diễu binh, Thiếu úy Đỗ Quốc Khánh hiểu hơn ai hết trọng trách mình mang trên vai. Lá cờ không chỉ là biểu tượng Quốc gia, mà còn là niềm tự hào, là trái tim của đoàn quân kỵ binh, là hình ảnh thiêng liêng giữa hàng triệu ánh mắt dõi theo ngày hội non sông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG


Chiến sĩ bổ sung nước, vitamin C trong giờ giải lao, sau khi tập luyện dưới cái nắng gay gắt tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Kết thúc buổi tập, ngựa được đưa lên xe để cởi bỏ trang bị bảo hộ rồi dẫn về khu chuồng làm công tác kiểm tra sức khỏe, vệ sinh.








Chiến sĩ cởi và vệ sinh giáp ngựa sau khi hoàn thành buổi tập luyện. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo Thiếu tá Phạm Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội chăn nuôi thú y, Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh cho biết, công tác chăm sóc ngựa được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe và thể trạng tốt nhất cho từng cá thể.

Chiến sĩ vuốt ve, chăm sóc ngựa của mình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG



Ngựa được ăn cỏ khô Alfalfa đóng bánh; ngoài ra, khẩu phần ăn còn bao gồm cám tổng hợp có bổ sung tinh bột, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng. Buổi sáng sớm trước khi tập luyện hoặc trước khi thực hiện nhiệm vụ, ngựa sẽ được ăn thêm cám để đảm bảo năng lượng.
Đá liếm bổ sung muối khoáng được treo tại chuồng để ngựa tự bổ sung khoáng khi cần thiết. Bên cạnh nước uống sạch, ngựa còn được bổ sung thêm nước điện giải pha vitamin C hàng ngày, giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giải nhiệt, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng.


Mỗi ngày, ngựa được tắm 1-2 lần, thường vào buổi chiều sau khi tập luyện hoặc trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Việc này giúp chúng thư giãn, giảm căng thẳng cơ thể và giữ gìn vệ sinh.
Mỗi cá thể ngựa đều được theo dõi sức khỏe hàng ngày. Việc kiểm tra bao gồm đo thân nhiệt, quan sát biểu hiện thể trạng và các dấu hiệu bất thường. Ngựa có biểu hiện mệt mỏi hoặc không đủ sức khỏe sẽ được nghỉ ngơi, thay thế bằng ngựa dự bị.


Theo Thiếu tá Phạm Minh Tuấn, ngựa tham gia phục vụ các lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành hoặc nhiệm vụ trọng điểm sẽ được chọn lọc kỹ càng. Chúng được chăm sóc theo chế độ đặc biệt hơn, nhằm đảm bảo thể trạng tối ưu. Các ngựa mới đưa về đơn vị, khi chưa quen với thời tiết nắng nóng, cũng được theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc.
“Những chú ngựa được lựa chọn tham gia nhiệm vụ đều là những cá thể có thể trạng tốt, được huấn luyện kỹ lưỡng và chăm sóc chu đáo, đặc biệt dịp này diễn ra lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Thiếu tá Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thượng tá Lê Sỹ Hà, các hàng ngựa và người hiện nay đã thực hiện đúng yêu cầu của kịch bản và nội dung tập luyện mà Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đề ra. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục rèn luyện thêm để đảm bảo độ chính xác, đều đẹp và thống nhất tuyệt đối trong ngày chính thức", Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngam-dan-ky-binh-tinh-nhue-san-sang-cho-ngay-dai-le-post792533.html