Ngắm đàn sếu đầu đỏ quý hiếm ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Đàn sếu đầu đỏ 6 con được đưa từ Thái Lan về Thảo Cầm Viên đang phát triển khỏe mạnh, dự kiến sẽ bàn giao cho Vườn quốc gia Tràm Chim đưa về Đồng Tháp.
Lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, đơn vị này giữ vai trò là điểm đến đầu tiên của Sếu đầu đỏ khi nhập cảnh Việt Nam, là nơi thực hiện cách ly và chăm sóc ban đầu. Từ khi tiếp nhận đến nay, đàn sếu đầu đỏ được các nhân viên tại Thảo Cầm Viên chăm sóc kỹ lưỡng và đang phát triển khỏe mạnh.
Công tác chăm sóc Sếu cẩn trọng từ chiếc máng ăn đến hệ thống camera giám sát. Từ khâu chuẩn bị chuồng trại được thực hiện tỉ mỉ, cải tạo từ khu vực quầy thú bệnh thành khu cách ly riêng biệt, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu của chuyên gia quốc tế.

Đàn sếu đầu đỏ phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Thảo Cầm Viên

Sau khi hoàn thành, Thảo Cầm Viên đã hai lần tiếp đoàn chuyên gia Thái Lan đến khảo sát trực tiếp, góp ý từng chi tiết và mời các đơn vị chức năng trong nước kiểm tra điều kiện chuồng trại để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Sếu.
Khu vực cách ly được bảo vệ ba lớp rào, hai lớp cửa khóa kín, hai hố sát trùng và quy trình thay đồ chuyên dụng "đồ Sếu" – giúp chim không sợ người, dễ thích nghi môi trường mới.

Đàn sếu đầu đỏ được vận chuyển về Thảo Cầm Viên. Ảnh: Thảo Cầm Viên

Mỗi nhân viên khi vào khu cách ly đều phải thay ủng, bước qua hố sát trùng, đeo găng tay, khẩu trang và mặc đồ chuyên dụng “đồ Sếu” – một bộ trang phục mô phỏng màu sắc, hình dáng của loài Sếu, giúp Sếu không sợ người và nhanh chóng làm quen với môi trường mới.

Nhân viên mặc "đồ Sếu" khi chăm sóc loài chim quý hiếm này. Ảnh: Thảo Cầm Viên

Chăm sóc loài chim quý này đòi hỏi kỹ thuật và sự cẩn trọng cao độ. Nhân viên phải vệ sinh chuồng, kiểm tra thức ăn thừa để đánh giá sức khỏe, bố trí máng ăn đúng tiêu chuẩn và xử lý sự cố trong vòng 5 phút thông qua hệ thống camera giám sát 24/7. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tối đa, nhân viên còn đãi cát tìm vật thể kim loại trong chuồng.

Quy trình chăm sóc Sếu được thực hiện kỹ lưỡng. Ảnh: Thảo Cầm Viên

Sự trở lại của Sếu đầu đỏ không chỉ mang ý nghĩa sinh học mà còn đánh dấu bước tiến trong nỗ lực khôi phục hệ sinh thái Đồng Tháp Mười.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngam-dan-seu-dau-do-quy-hiem-o-thao-cam-vien-sai-gon-post844729.html