Ngắm khung cảnh lãng mạn mùa lá vàng nơi tháp nước Hàng Đậu

Những ngày cuối Xuân, tiết trời vẫn se se lạnh nhưng đã phảng phất đôi cơn nắng ấm giao mùa, lộc vừng bắt đầu trở mình thay lá. Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, sắc lá đỏ chen vàng của lộc vừng quyến rũ bao người.

Từ khoảng giữa tháng Ba đến đầu tháng Tư, tháp nước Hàng Đậu trở nên quyến rũ bởi những cây lộc vừng đổi màu. Ảnh: Việt An

Từ khoảng giữa tháng Ba đến đầu tháng Tư, tháp nước Hàng Đậu trở nên quyến rũ bởi những cây lộc vừng đổi màu. Ảnh: Việt An

Nhiều người vẫn quen gọi đây là bốt Hàng Đậu, nhưng đúng hơn là tháp nước Hàng Đậu, một công trình cổ xây từ thời Pháp thuộc năm 1894. Tháp nước lâu đời nhất Hà Nội này nằm ngay ngã sáu giao các con đường trong phố cổ.

Tháp nước Hàng Đậu nằm ở vòng xoay giữa các con phố, xung quanh có vỉa hè nên vẫn có đủ khoảng không cho các tay máy tác nghiệp. Ảnh: Việt An

Tháp nước Hàng Đậu nằm ở vòng xoay giữa các con phố, xung quanh có vỉa hè nên vẫn có đủ khoảng không cho các tay máy tác nghiệp. Ảnh: Việt An

Cuối thế kỷ 19, Hà Nội gặp những trận dịch ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong đó có người Pháp. Đại diện nhà cầm quyền lúc đó phải xây dựng hệ thống cấp nước sạch kiểu châu Âu thay cho nước giếng, nước mưa kiểu dân gian. Tháp nước Hàng Đậu theo đó cũng được xây dựng. Đây là trạm phân phối nước vào khu vực nội thành với sức chứa 1.250m3; người ta điều chỉnh các van nước để kiểm soát việc cấp nước theo ý muốn.

Lá lộc vừng bắt đầu chuyển vàng, trên cây vẫn còn lá xanh tạo nên một sắc màu nổi bật trên bức tường xám cổ điển của tháp nước. Ảnh: Việt An

Lá lộc vừng bắt đầu chuyển vàng, trên cây vẫn còn lá xanh tạo nên một sắc màu nổi bật trên bức tường xám cổ điển của tháp nước. Ảnh: Việt An

Tháp nước được xây theo kết cấu hình trụ tròn cao 25m, đường kính khoảng 19m, có rất nhiều ô cửa sổ dạng vòm bao quanh 3 tầng của tháp nước. Tuy nhiên, các cửa sổ ở tầng 1 đã bị bịt kín lại để tránh tình trạng người ra vào hoặc vứt rác gây mất vệ sinh.

Đến mùa cây thay lá, tháp nước Hàng Đậu lại trở thành không gian đầy xao xuyến khi lá chuyển sắc vàng, rồi rợp tán đỏ. Rất nhiều khách du lịch và các nhiếp ảnh gia tranh thủ đến đây tìm nguồn cảm hứng. Sau khoảng 2 tuần, lá rụng hết, những chồi non bắt đầu nẩy lộc xanh mướt cũng tạo nên nét hấp dẫn riêng.

Chị Hiền, sống ở Hà Nội, năm nào cũng tranh thủ đến đây để thưởng thức vẻ quyến rũ riêng biệt của công trình này. Chị thích ngắm sự biến chuyển của thời gian qua tán lá in dấu trên nét tĩnh lặng, cổ điển của kiến trúc xưa. Ảnh: Việt An

Chị Hiền, sống ở Hà Nội, năm nào cũng tranh thủ đến đây để thưởng thức vẻ quyến rũ riêng biệt của công trình này. Chị thích ngắm sự biến chuyển của thời gian qua tán lá in dấu trên nét tĩnh lặng, cổ điển của kiến trúc xưa. Ảnh: Việt An

Tháp nước Hàng Đậu mùa nào trong năm cũng đẹp, nhưng vào mùa cây thay lá thì không gian trở nên ấn tượng hơn. Vì vậy, nếu có lỡ hẹn với tháng Ba, mọi người vẫn có thể đến đây và lưu giữ những bức ảnh độc đáo cho riêng mình vào bất cứ khi nào.

Cổng vào tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Việt An

Cổng vào tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: Việt An

Ngoài ra, từ tháp Hàng Đậu, mọi người có thể đến chợ Đồng Xuân chỉ cách hơn 200m; hoặc đi khám phá các địa điểm trong phố cổ. Tháp nước cũng nằm trên phố Hàng Than – con đường tập trung nhiều cửa hàng bánh cốm gia truyền ở Hà Nội.

Việt An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ngam-khung-canh-lang-man-mua-la-vang-noi-thap-nuoc-hang-dau/