Ngắm kiến trúc độc đáo của nhà ga metro Tân Cảng
Nhà ga Tân Cảng thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là nhà ga có quy mô lớn nhất so với 10 nhà ga trên cao của toàn tuyến, đồng thời được thiết kế với kiến trúc độc đáo bằng màng sợi thủy tinh phủ nhựa. Hiện các công nhân đang nỗ lực thi công cả ngày lẫn đêm, gấp rút hoàn thành công trình vào đầu năm 2023.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức trên công trường nhà ga Tân Cảng nằm ngay dưới chân cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), hàng chục kỹ sư, công nhân đang miệt mài, tất bật thi công các hạng mục cuối cùng để sớm hoàn thành đúng tiến độ.
Mỗi ngày, có 3 ca làm việc từ sáng đến xuyên đêm, trong đó ca đêm thường xuyên có khoảng 40 người cố gắng hoàn thiện các hạng mục còn lại như thi công tấm ốp trần của nhà ga, mái che khu vực đón khách, cơ điện ở tầng trệt, lát đá granite cho cầu thang bộ...
Kỹ sư Hoàng Văn Tứ, Chỉ huy trưởng phụ trách xây dựng các nhà ga trên cao thuộc tổng thầu SCC, cho biết: “Nhà ga Tân Cảng có diện tích lớn nhất so với 10 nhà ga còn lại với 4 làn tàu và là điểm kết nối của tuyến metro số 1 và tuyến metro số 5 (hình thành trong tương lai). Điểm nhấn đặc biệt nhất của nhà ga là hệ thống mái che được thiết kế với kiến trúc hiện đại, màng mái che thiết kế từ sợi thủy tinh phủ nhựa, hệ thống này được nhập từ Nhật Bản, có quy mô nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại”.
“Đến nay, tiến độ thi công của nhà ga Tân Cảng đã đạt được 93% khối lượng công việc. Đơn vị đang nỗ lực hoàn thành những công đoạn cuối với số lượng công nhân làm việc ca ngày khoảng 70 - 80 người, ca đêm khoảng 25 - 40 người”, kỹ sư Hoàng Văn Tứ cho biết thêm.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đối với các nhà ga trên cao còn lại từ ga Phước Long trở về ga Văn Thánh Park, nhà thầu đang gấp rút tăng cường nhân lực, cố gắng hoàn thành trong quý 1/ 2023. Hiên tại, toàn bộ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên đã đạt 92,53% tổng khối lượng, dự kiến sẽ chạy thương mại cuối năm 2023.