Ngâm mình trong nước, giúp dân thoát khỏi vùng ngập lụt

Công an tỉnh Quảng Trị tham gia sơ tán, di dời gần 1 ngàn hộ dân vùng bị ngập lụt cục bộ tại địa bàn 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông đến những nơi cao ráo, bảo đảm cho việc ăn ở tạm thời trước mắt và nhiều ngày tới.

Chiều 4-9, Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay khi nắm bắt thông tin một số địa phương có nguy cơ bị ngập lụt cục bộ, nhiều điểm vùng sông, suối, sườn núi có khả năng xảy ra sạt lở đất, đá, gây nguy cơ tai nạn cho người dân, đơn vị đã chủ động điều động lực lượng phối hợp chính quyền, đoàn thể và lực lượng xung kích địa phương, tổ chức ứng trực tại các điểm, khu vực xung yếu này.

Đến chiều cùng ngày, lực lượng đã tham gia sơ tán, di dời gần 1 ngàn hộ dân vùng bị ngập lụt cục bộ tại địa bàn 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông đến những nơi cao ráo, bảo đảm cho việc ăn ở tạm thời trước mắt và nhiều ngày tới.

Bên cạnh, lực lượng tham gia cưa, dọn cây xanh bị gió bão, mưa lớn làm gãy đổ trên các đường lớn, kịp thời thông tuyến, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện qua lại.

Công an Quảng Trị di dời người dân vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Công an Quảng Trị di dời người dân vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Trong đó đặc biệt có các điểm trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9, tuyến đường Lìa qua 7 xã vùng biên huyện Hướng Hóa, tuyến giao thông liên xã Triệu Nguyên- Hải Phúc- Ba Lòng, huyện Đakrông, có khối lượng đất, đá bị sạt lở rất lớn; đường sá bị ngập sâu nhiều đoạn nên lực lượng đã phải căng mình 24/24h để khắc phục thông tuyến và hướng dẫn người dân không được qua lại các điểm bị ngập lụt sâu này bởi sẽ rất nguy hiểm.

Cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã di dời, sơ tán được 4.668 người/1.047 hộ dân. Trong đó, nhiều nhất là huyện Hướng Hóa 931 hộ/4220 nhân khẩu, Đakrông 80 hộ/305 nhân khẩu.

Có 1 người bị thương do chủ quan trong chạy lũ, đã được lực lượng Công an kịp thời phát hiện, sơ cứu và đưa đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị. Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã gây ra thiệt hại lớn về nông nghiệp cho địa phương này.

Hiện có 4.483ha lúa bị ngập úng, hư hỏng nặng; hơn 345,4ha hoa màu, 50,4ha cây trồng hàng năm bị hư hỏng; hàng chục con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập trôi, sạt lở.

Trước tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã gửi công văn cho các địa phương về kế hoạch tổ chức khai giảng. Theo đó, các trường phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức lễ khai giảng tại đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nếu tình hình thời tiết bình thường, địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Trong trường hợp mưa kéo dài không thể tổ chức lễ khai giảng ở ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức.

Trường hợp thời tiết trên địa bàn diễn biến xấu, có thể gây nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, địa bàn bị chia cắt do mưa lũ..., các trường chủ động dừng tổ chức lễ khai giảng, đồng thời báo cáo với phòng và sở để tổ chức Lễ khai giảng vào thời điểm phù hợp.

Tại Thừa Thiên - Huế:

Chiều 4-9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do áp thấp nhiệt đới nên hiện một số địa phương vùng thấp trũng của địa bàn tỉnh đang bị ngập lụt, ảnh hưởng đến cuộc sống và giao thông đi lại.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ trên địa bàn đã làm 1 người chết là ông Phan Khoái (trú thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) khi vào 12h ngày 3-9, ông Khoái leo lên mái hiên nhà để chằng chống nhà thì bị trượt chân rơi xuống đất tử vong tại chỗ.

Nhiều vùng thấp trũng ở huyện Phong Điền vẫn đang ngập nặng do nước sông Ô Lâu dâng cao.

Nhiều vùng thấp trũng ở huyện Phong Điền vẫn đang ngập nặng do nước sông Ô Lâu dâng cao.

Ngoài ra, mưa lớn làm nước sông Ô Lâu dâng cao khiến tuyến QL49B qua huyện Phong Điền bị ngập nặng nhiều đoạn. Cụ thể, đoạn qua cầu Nhi Eo, xã Phong Hòa bị ngập khoảng 200m; đoạn từ cầu Làng Rào, xã Phong Bình qua xã Điền Hương bị ngập khoảng 0,4m, chiều dài 100m; đoạn từ Hợp tác xã Ưu Điềm đến chợ Ưu Điềm ngập 0,4m, dài 500m. Ngoài ra, 30 nhà dân ở các xã Phong Hòa và Phong Bình bị ngập nên chính quyền địa phương đã di dời 13 hộ dân với 42 khẩu đến nơi an toàn.

Người dân Phong Điền thu hoạch sắn để tránh ngập úng.

Người dân Phong Điền thu hoạch sắn để tránh ngập úng.

Đến sáng 4-9, dù lượng mưa đã giảm nhưng các tuyến đường dọc sông Ô Lâu vẫn bị chia cắt. Trước tình trạng đường sá bị ngập và nước lũ dâng vào trường học, Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền đã cho học sinh 5 trường học tại các xã Phong Hòa, Phong Bình và Phong Chương nghỉ học từ ngày 4-9.

Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền đã cho học sinh một số trường học nghỉ học trong ngày 4-9 do nước lụt ngập tràn vào trường.

Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền đã cho học sinh một số trường học nghỉ học trong ngày 4-9 do nước lụt ngập tràn vào trường.

Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Đường bộ II.6 còn cho biết, mưa lớn kéo dài trong ngày 2 và 3-9 đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện miền núi A Lưới, đoạn từ Km 313+ 800 đến Km 318 xuất hiện 5 điểm ta luy dương, ta luy âm sạt lở làm đất đá tràn ra mặt đường, gây ách tắc giao thông. Vì thế, đơn vị đã phối hợp với các địa phương khẩn trương san ủi, dọn đất đá sạt lở, cắm biển cảnh báo nhằm đảm bảo ATGT trên tuyến.

Nông dân huyện Phú Lộc tranh thủ thu hoạch lúa chạy lũ.

Nông dân huyện Phú Lộc tranh thủ thu hoạch lúa chạy lũ.

Ngoài ra, với hơn 1.100ha lúa vụ Hè Thu chưa thu hoạch, bị gãy đỗ do mưa lớn, để tránh nước lũ dâng cao nên trong ngày 4-9, nông dân tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành gặt lúa chạy lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tại Nghệ An:

Trong 3 ngày, từ 2 - 4/9, mưa lớn đã làm cho nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân ở Nghệ An bị ngập sâu trong nước, nhiều tuyến đường trọng yếu ở thành phố Vinh bị ùn tắc. Hiện nay, cùng với các cơ quan ban ngành chỉ đạo nhiều giải pháp tiêu úng, lực lượng Công an Nghệ An cũng triển khai nhiều biện pháp giúp dân khắc phục ngập úng.

CSGT Công an thành phố đã huy động 100% quân số triển khai tại các tuyến đường trọng điểm

CSGT Công an thành phố đã huy động 100% quân số triển khai tại các tuyến đường trọng điểm

Nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An có tiến độ thu hoạch lúa hè thu muộn do đợt hạn hán kéo dài khiến cho nhiều diện tích lúa chậm phát triển dẫn đến thời gian thu hoạch bị kéo dài thì nay lại bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, hàng nghìn hecta bị ngập nước, nguy cơ mất mùa cao.

Bên cạnh đó, nhiều vùng chuyên canh rau màu ở Nghệ An cũng ngập nặng, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Nguồn cung rau xanh nội tỉnh khan hiếm nên giá cả một số loại rau bắt đầu tăng.

Còn tại các tuyến đường trọng yếu của thành phố Vinh - địa bàn có lượng mưa lớn đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ do ô tô nối dài hàng km để tìm lối đi.

Trước tình hình đó, Công an TP.Vinh đã huy động lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự tỏa ra các tuyến đường, dầm mưa giúp đỡ người tham gia giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt.

Từ 6h sáng, CSGT Công an thành phố đã huy động 100% quân số triển khai tại các tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là nơi xảy ra ùn tắc cao, mực nước ngập sâu để cứu hộ các phương tiện giao thông chết máy, không thể lưu thông.

Tại Hà Tĩnh:

Chiều 4/9, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại địa bàn huyện Vũ Quang. Cùng đi có Đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh.

Huyện Vũ Quang hiện có 2 xã bị ngập sâu là Đức Giang, Đức Bồng. Trong đợt mưa lũ này, tính đến ngày 4/9, toàn huyện có 25 ha lúa vụ hè thu chưa kịp thu hoạch ở 2 xã Hương Minh và Đức Lĩnh đã bị ngập úng, gần 2 ngô ở xã Hương Minh đã bị đổ gãy, hư hỏng; có 440 hộ dân đã bị cô lập (Đức Giang 250 hộ, Đức Bồng 120 hộ, Đức Lĩnh 70 hộ).

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo phòng chống lũ.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo phòng chống lũ.

Tại đây, lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Vũ Quang phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, đảm sơ tán dân về nơi an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn vừa thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ký ban hành công điện khẩn chỉ đạo các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Phân công các đơn vị bố trí lực lượng phù hợp giúp nhân dân thu hoạch vụ hè thu và phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết; thông tin kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn, cấm biển không cho phương tiện ra khơi khi thời tiết còn diễn biến nguy hiểm.

Tùy theo tình hình diễn biến của thời tiết và tình hình mưa lũ để triển khai phương án sơ tán dân theo kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là những vùng trũng, ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Công an tỉnh, Sở GTVT phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra, phân luồng, đảm bảo ATGT; tuyệt đối không để người và phương tiện tham gia giao thông qua các đập tràn, cầu cống, đoạn đường thấp trũng bị úng ngập.

Các địa phương tuyên truyền, nghiêm cấm không để nhân dân vớt củi, gỗ... trên sông.

Các huyện miền núi hoãn tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9; các huyện đồng bằng nếu đảm bảo an toàn thì tổ chức khai giảng năm học mới theo lịch đã bố trí.

Thanh Bình - Anh Khoa - Minh Tâmm- Văn Hùng – Anh Cường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/gong-minh-cuu-dan-khoi-vung-bi-ngap-lut-sat-lo-560245/