Ngắm ngôi nhà cổ dựng từ gỗ quý, không tốn một cây đinh ở TPHCM
Ẩn sau cung đường tấp nập xe cộ là ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Bên trong, căn nhà lưu giữ nhiều vật dụng được gia chủ xem như báu vật do người xưa để lại.

Ngôi nhà cổ ẩn mình trong khuôn viên nhiều hoa cảnh của ông Chung. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngôi nhà cổ yên bình
Tại xã Nhà Bè (huyện Nhà Bè trước đây, TPHCM), ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Kim Chung (79 tuổi) tĩnh lặng, yên bình trong khuôn viên nhiều hoa cảnh.
Ngôi nhà có mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian được bao bọc bởi hệ thống cột, cửa vòm bằng gạch, xi măng.
Trên tường, cột, cửa vòm đắp nổi hoa văn mềm mại, đẹp mắt theo phong cách châu Âu. Phía sau cửa vòm và hành lang, ngôi nhà được dựng từ gỗ quý theo kiểu kiến trúc nhà rường Huế.

Theo ông Chung - ngôi nhà có từ thời nhà Nguyễn. Ảnh: Hà Nguyễn
Ông Chung chia sẻ: “Cha mẹ tôi kể rằng, căn nhà do ông cố của tôi xây dựng. Ông cố tôi tên là Nguyễn Văn Trọng, húy danh Nguyễn Hiền Hào, là một viên quan dưới thời vua Minh Mạng.
Khi dựng nhà, ông thuê đội thợ mộc tay nghề cao từ Huế vào chạm khắc, trang trí trong 3 năm. Nhà không sử dụng bất cứ cây đinh nào.
Toàn bộ kèo cột, vách tường, bao lam… đều được cố định bằng kỹ thuật ghép mộng. Các mộng ghép kín khít, chắc chắn đến nỗi sợi tóc cũng không thể chen vào”.


Bên ngoài, nhà có hệ thống cửa vòm, tường, hành lang bằng xi măng theo kiến trúc châu Âu. Ảnh: Hà Nguyễn
Sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà cổ, ông Chung cố gắng gìn giữ, bảo quản căn nhà thật tốt. Dù đã trải qua nhiều năm, căn nhà vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc vốn có.
Theo chủ nhân đời thứ 4 của ngôi nhà, khi làm nhà, cụ Trọng thuê thợ đốn cây cổ thụ, kích thước lớn về xẻ ra. Thợ mộc sử dụng phần gỗ bên ngoài làm kèo, đòn tay, ván. Lõi cây cứng chắc, thẳng tắp được thợ mộc bào nhẵn làm cột nhà.
Nhờ vậy, cột nhà vẫn không hề có dấu hiệu hư, mục, mối mọt mà còn lên nước đen bóng. Các đòn tay, xà ngang được chạm khắc họa tiết tinh xảo, đẹp mắt, được cẩn xà cừ lấp lánh.


Bên trong, căn nhà được dựng từ gỗ quý theo kiểu kiến trúc nhà rường Huế. Ảnh: Hà Nguyễn
Phần bao lam ngôi nhà được làm từ gỗ mít cổ thụ, bên trên chạm lọng, chạm thủng, chạm kênh bong họa tiết chim trĩ, hoa cúc, mai, trái cây… Khung viền các họa tiết trang trí này cũng được cẩn xà cừ.
Mái nhà cổ lợp 5 lớp ngói đỏ âm dương. Đến nay, mái ngói này vẫn sử dụng tốt, chưa một lần phải tu sửa, thay mới.


Giữa nhà là bàn thờ gia tiên. Ảnh: Hà Nguyễn
Báu vật do người xưa để lại
Bên trong nhà, bàn thờ gia tiên được gia đình ông Chung gìn giữ nguyên vẹn như lúc ban đầu. Ban thờ có nhiều cổ vật quý như: Bát hương, lư đồng, ché, bình gốm…
Nhà còn lưu giữ các bức hoành phi, câu đối do chính tay cụ Nguyễn Hiền Hào viết. Ông Chung chia sẻ: “Xưa, nhà còn có bộ trường kỷ bằng gỗ vải cổ thụ, chạm khắc tích Kim Vân Kiều truyện, đoạn Thúy Kiều gặp Kim Trọng.


Hệ thống kèo, đòn tay, xà ngang ngôi nhà được chạm khắc tinh xảo, cẩn xà cừ lấp lánh. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngoài ra, đôi tượng voi bằng gốm cổ đặt giữa nhà đã được gia đình tôi lưu giữ qua 5 đời. Cặp tượng này có cùng thời với ngôi nhà. Bố mẹ tôi kể, khi xưa ông cố rất quý đôi tượng này.
Chúng tôi xem những gì ông cha để lại như báu vật và cố gắng gìn giữ chúng từng ngày. Vợ chồng tôi thường tự tay lau chùi, quét dọn căn nhà, vật dụng bên trong một cách cẩn trọng, nhẹ nhàng vì sợ nếu mạnh tay chúng sẽ hỏng”.


Bao lam ngôi nhà chạm lọng, chạm kênh bong, chạm thủng nhiều họa tiết đặc sắc, sống động. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo ông Chung, thời của bố ông, căn nhà cổ thường xuyên đón những vị khách đặc biệt đến thăm. Một trong số này là công tử Bạc Liêu.
Ông Chung kể: “Trước đây, ba tôi cũng thuộc hàng công tử và là bạn của công tử Bạc Liêu. Lúc ấy tôi còn rất nhỏ nhưng vẫn nhớ chuyện ông Huy (ông Trần Trinh Huy hay công tử Bạc Liêu - PV) thường chạy xe ô tô từ trung tâm thành phố xuống nhà, chở ba tôi lên nhà ông ấy chơi.

Cặp tượng voi quý hiếm bằng gốm được ông Chung bày giữa nhà. Ảnh: Hà Nguyễn
Thời đó, ngoài căn nhà lớn ở Bạc Liêu, ông Huy còn có nhà ở Sài Gòn. Ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Trần Đình Xu). Có khi, ông Huy xuống nhà, đón ba tôi lên nhà hàng Thanh Thế ăn sáng, uống cà phê. Đó là một trong những nhà hàng lớn, nổi tiếng bậc nhất thời kỳ trước với 3 mặt tiền đường Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực và Tạ Thu Thâu.

Hằng ngày, vợ chồng ông Chung đều lau chùi các vật dụng trong ngôi nhà cổ để gìn giữ những bảo vật do người xưa để lại. Ảnh: Hà Nguyễn
Đến thời của tôi, căn nhà vẫn đón nhiều lượt khách đến tham quan. Một vài đoàn làm phim cũng đến đây, lấy căn nhà làm bối cảnh cho phim của mình.
Theo nhiều người đánh giá, căn nhà cổ của gia đình ngoài nét đẹp kiến trúc, cổ kính còn có đặc điểm là nếu ngoài trời nóng thì trong nhà mát mẻ, ngoài trời lạnh thì trong nhà ấm áp”.