Ngắm nhìn cầu vồng đôi rực rỡ hiếm có

Lần đầu nhìn thấy cầu vồng đôi, chị Kim Lý nhanh tay chụp lại khoảnh khắc ấn tượng này.

Trong chuyến công tác từ TP HCM đến tỉnh Bình Thuận chiều 30- 9, khi di chuyển đến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, chị Kim Lý (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) bất ngờ nhìn thấy cầu vồng xuất hiện rõ sau cơn mưa. “Tôi phải dụi mắt nhiều lần để xem mình có nhìn lầm hay không” - chị Kim Lý nói.

Tấm hình ghi lại khoảnh khắc ấn tượng này của chị Lý đã nhanh chóng được lan truyền ở nhiều nơi.

Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa chiều 30-9

Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa chiều 30-9

"Mặc dù nhìn cầu vồng qua cửa kính ô tô nhưng mọi thứ vẫn rất lung linh. Cầu vồng có màu sắc rất rực rỡ, những dải màu hiện rất rõ. Lần đầu tiên tôi nhìn bao quát toàn bộ một cầu vồng như vậy" - chị Kim Lý cho biết.

Anh Thanh Tuyến (ngụ tỉnh Bình Thuận) cũng nói cầu vồng xuất hiện sau mưa là chuyện bình thường nhưng chưa bao giờ anh nhìn thấy cầu vồng có dải màu rộng và đẹp như vậy.

Nhiều người nhìn thấy vồng đôi sau cơn mưa khi di chuyển trên cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo

Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC), cho biết cầu vồng đôi ít xuất hiện hơn cầu vồng đơn nhưng không phải hiện tượng hiếm.

"Thông thường, khi cầu vồng đôi xuất hiện, cầu vồng chính sẽ nhìn rõ hơn cầu vồng phụ. Tuy nhiên, với bức ảnh này, tôi có thể nhìn rõ cả 2 cầu vồng. Đây mới thực sự là điều hiếm thấy" - ông Tuấn nói thêm.

Người dân chụp lại hiện tượng hiếm thấy này

Người dân chụp lại hiện tượng hiếm thấy này

Cầu vồng có rất nhiều màu sắc, trong đó nổi bật nhất là 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím

Cầu vồng có rất nhiều màu sắc, trong đó nổi bật nhất là 7 màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím

Cầu vồng thường xuất hiện sau cơn mưa, khi không khí có nhiều hơi nước. Bản chất của cầu vồng là sự tán sắc ánh sáng mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa.

Các giọt nước trong không khí đóng vai trò như một lăng kính. Khi ánh sáng mặt trời đi qua lăng kính, các tia sáng bị bẻ cong, phản xạ lại và đi ra ngoài giọt nước theo một góc 42 độ.

Hiện tượng cầu vồng đôi xảy ra khi chúng ta có thể nhìn thấy đồng thời hai góc 42 độ và 52 độ so với ánh sáng mặt trời.

"Với hiện tượng cầu vồng đôi, cầu vồng phụ xuất hiện do sự nhiễu xạ ánh sáng ở góc 52 độ so với ánh sáng mặt trời. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy sự khúc xạ ánh sáng ở bên trong của các giọt nước, trước khi ánh sáng phản xạ và đi ra bên ngoài. Điều này lý giải vì sao cầu vồng phụ có các màu đảo ngược và thường mờ nhạt hơn cầu vồng chính" - ông Tuấn giải thích.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoa-hoc/ngam-nhin-cau-vong-doi-ruc-ro-hiem-co-20231001163249879.htm