Theo các chủ vườn thì thị trường lan năm nay khởi động sớm. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các nhà vườn đã mang sản phẩm đến trưng bày, giới thiệu đến khách hàng. Lan chủ yếu được các nhà vườn nhập từ Đà Lạt, Thanh Hóa với nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng.
Cắm lan nghệ thuật được xem là nghề “hái ra tiền” dịp cuối năm. Trung bình nhà vườn lớn sẽ phải thuê thêm 15 - 20 nhân viên thời vụ, với mức thù lao từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Với những người cắm lan lâu năm, mức lương có thể lên đến 20 - 40 triệu đồng/tháng. Nhiều vườn lan đã thuê thợ cắm lan từ Hà Nội vào.
Bên cạnh những màu sắc truyền thống của hoa lan như tím, vàng, hồng, trắng... năm nay thị trường có thêm nhiều màu sắc lạ từ các giống lan biến đổi gen. Những chậu lan có màu lạ, độc có giá trị cao hơn màu truyền thống.
Giá lan được tính theo cành, dao động từ 200 - 500 nghìn đồng/cành. Một chậu lan có giá bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/chậu, tùy theo cành và loại lan.
Những chậu lan “khủng” số lượng hoa hoa lên đến trăm cành, kèm theo đó là những phụ kiện đắt tiền như gỗ lũa, tiểu cảnh, chậu gốm Bát Tràng... Những chậu lan này do nghệ nhân có kinh nghiệm, tùy theo yêu cầu của khách hàng để phối màu hài hòa, tạo dáng, tạo kiểu thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, trưng bày dịp Tết.
Những chậu lan “khủng” có giá từ chục triệu đến trăm triệu. Theo các chủ vườn, nhu cầu chơi lan dịp Tết những năm gần đây tăng cao.
Vân Anh