Ngắm thành cổ Vinh, 'chứng nhân' lịch sử qua hàng trăm năm

Thành cổ Vinh được xem là 'nhân chứng' lịch sử hàng trăm năm tại mảnh đất miền Trung. Trải qua bao biến cố thời gian, thành cổ không còn được nguyên vẹn, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và là điểm tham quan văn hóa nổi tiếng tại Nghệ An.

Thành cổ Vinh (hay còn gọi là thành cổ Nghệ An) là tên gọi di tích một tòa thành cổ được xây dựng dưới thời Nguyễn lịch sử Việt Nam, nằm trên địa bàn Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An ngày nay. Hiện tòa thành cổ này vẫn còn di tích 3 cổng thành là cửa Tiền (trên địa bàn phường Cửa Nam), cửa Tả (trên địa bàn phường Quang Trung), cửa Hữu (trên địa bàn phường Quang Trung) và một số đoạn hào thành.

Di tích thành cổ Nghệ An được nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1998. Trong ảnh là Cửa Tiền - cửa chính - nằm trên địa phận phường Cửa Nam.

Thành cổ Vinh được xây dựng từ năm 1804 thời vua Gia Long. Ban đầu, thành cổ được xây bằng đất nhưng đến năm 1831, thời vua Minh Mạng, công trình này được xây lại bằng đá ong với quy mô lớn và kiên cố hơn.

Thành cổ Vinh cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An nhân dịp Người về thăm quê vào các năm 1957, 1961. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành cổ Vinh bị bom đạn phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn lại vài đoạn tường và 3 cổng thành.

Cửa Tiền cũng là cổng thành còn nguyên vẹn nhất sau nhiều biến cố lịch sử. Hiện Cửa Tiền được lắp đặt đèn chiếu sáng, sức hấp dẫn về đêm càng lung linh hơn.

Đây cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến thăm Tp.Vinh.

Trong ảnh là cửa Hữu. Mỗi cửa đều được thiết kế theo hình dáng riêng nhưng tất cả đều được xây bằng đá ong.

Trong dòng chảy lịch sử, thành cổ Vinh là nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt và tinh thần dũng cảm hy sinh của nhân dân xứ Nghệ để làm nên một đỉnh cao Xô Viết,..

Vị trí cửa Tả của thành cổ Vinh nằm trên địa bàn phường Quang Trung. Thành cổ có 6 cạnh, hình lục giác, cao khoảng 4,42m và có tổng diện tích khoảng 420.000m2. Hệ thống hào bao quanh thành rộng 28m và có độ sâu khoảng 3,2m. Trải qua chiến tranh và thời gian, thành Vinh không còn được nguyên vẹn. Năm 2004, 3 cổng vào thành đã được phục dựng, giữ được dáng vẻ uy nghiêm của một phần trong hệ thống phòng thủ quân sự của thành Vinh xưa.

Hệ thống cửa gỗ của thành cổ Vinh.

Trải qua hơn 2 thế kỷ, dấu tích vật liệu xây thành vẫn còn như: gạch nung, đá ong, đá sò...

Qua bao biến cố của lịch sử, chứng kiến bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Nghệ An, thành cổ Vinh chính là một nhân chứng lịch sử cho thế hệ sau hiểu, biết và yêu quê hương hơn.

Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngam-thanh-co-vinh-chung-nhan-lich-su-qua-hang-tram-nam-204240902131636899.htm