Ngẫm thực tế xót xa sau 2 vụ tàu gặp nạn chấn động thế giới
Hai vụ tai nạn trong tháng này - tàu Andrianna chở hàng trăm người di cư tuyệt vọng và tàu Titan với các triệu phú - trở thành minh chứng rõ ràng cho sự bất bình đẳng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tất cả những cái chết trên đại dương đều là bi kịch, và thân nhân của họ đều đáng được chia sẻ nỗi đau đó.
Những người chết trên tàu Titan đã được thế giới biết tên: Stockton Rush, giám đốc điều hành và người sáng lập OceanGate, cũng là người cầm lái tàu Titan; Hamis Harding là một doanh nhân người Anh, chủ tịch của Action Aviation có trụ sở tại Dubai và là một nhà thám hiểm; Paul-Henri Nargeolet là giám đốc nghiên cứu dưới nước của RMS Titanic Inc. - một công ty có trụ sở tại Mỹ sở hữu các quyền đối với xác tàu Titanic; và cuối cùng là Shazad Dawood, cùng con trai 19 tuổi Sulem Dawood, là con cháu của một trong những gia đình giàu có nhất Pakistan.
Các hành khách trên đã tự nguyện trả 250.000 USD mỗi người cho chuyến phiêu lưu mạo hiểm đi xuống độ sâu hàng nghìn mét dưới mặt nước để khám phá xác con tàu Titanic nổi tiếng. Tàu lặn Titan đã mất tích vào ngày 18/6, dẫn đến một chiến dịch tìm kiếm quốc tế. Cả Mỹ và Canada đã ráo riết điều động tàu và máy bay để xác định vị trí và tìm mọi cách cứu 5 người trên tàu Titan. Nhưng các mảnh vỡ được tìm thấy vào ngày 22/6 cho thấy tàu lặn dường như đã nổ tung.
Ngược lại, phần lớn người đã chết trên tàu Andrianna bị lật úp vào ngày 14/6 đến nay vẫn chưa rõ tên tuổi. Đó là một tàu đánh cá được trưng dụng để chở đến hơn 700 người từ nhiều quốc gia khác nhau, cho hành trình từ Libya đến Italia. Khoảng 104 người đã được giải cứu khi con tàu gặp sự cố, nhưng hàng trăm người khác hiện vẫn chưa được tìm thấy, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em đã trốn ở dưới boong tàu.
Những hành khách của Andrianna - có người Ai Cập, Syria, Pakistan, Afghanistan và người Palestine - hầu hết là những người nghèo tìm đường đến châu Âu với hy vọng có được một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Nhưng nhiều chính phủ châu Âu hiện không muốn có thêm người nhập cư, đặc biệt là những người nghèo thuộc các quốc tịch, màu da, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau. Dễ hiểu lý do vì sao Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp được báo cáo đã nhận thấy rằng tàu Andrianna gặp sự cố hôm 14/6, nhưng từ chối hỗ trợ.
Đó là thực tế của nền kinh tế toàn cầu lúc này: Người giàu có thể trả hàng trăm nghìn đô la cho một chuyến phiêu lưu dưới đáy biển, trong khi người nghèo dành những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để chen chúc trên một chiếc thuyền đánh cá quá tải với hy vọng tìm được cuộc sống mới. Các chính phủ đã huy động mọi nguồn lực để giải cứu các tỷ phú, nhưng lại quyết định quay lưng lại với những người nghèo gặp khó khăn.
Theo UNHCR, cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc, mặc dù tổng số người di cư trên các hành trình nguy hiểm, bao gồm Biển Địa Trung Hải nơi tàu Andrianna gặp nạn, đã giảm kể từ mức cao nhất vào năm 2015, nhưng số người thiệt mạng lại tăng lên.
"Năm 2021, khoảng 3.231 người được ghi nhận là đã chết hoặc mất tích trên biển ở Địa Trung Hải và các tuyến đường phía Tây Bắc châu Phi, so với 1.881 người vào năm 2020, 1.510 người vào năm 2019 và hơn 2.277 người vào năm 2018" - một báo cáo của UNHCR viết.
Vụ chìm hai con tàu trong tháng này liệu có khiến người châu Âu, và người dân trên toàn thế giới nói chung, phải một lần nhìn lại? Sẽ như thế nào nếu hàng triệu đô la mà các tỷ phú xấu số trên tàu Titan đã chi để đến thăm con tàu Titanic, thay vào đó được dùng để giúp đỡ hàng trăm người di cư liều mạng trên tàu Andrianna?
Các nỗ lực cần được tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư, cải thiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, chống lại các mạng lưới buôn người và thiết lập các lộ trình hợp pháp cho việc di cư, nhằm giảm thiểu rủi ro mà khoảng 45 triệu người di cư có thể phải đối mặt trên những hành trình đi tìm "miền đất hứa".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngam-thuc-te-xot-xa-sau-2-vu-tau-gap-nan-chan-dong-the-gioi.html