Ngẫm về cây bắp

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo huyện Chư Sê có thể nói là tiên phong trong việc tìm nhiều biện pháp giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Họ chủ yếu là dân kinh tế mới từ Thừa Thiên-Huế, Bình Định lên định cư. Vùng đất này khi ấy bạt ngàn cỏ đuôi chồn, gai mắc cỡ, mắt mèo ken dày khắp nơi, bom mìn còn sót lại trong lòng đất không phải ít nên việc khai hoang không hề dễ dàng. Đã vậy, việc chọn loại cây trồng phù hợp với vùng đất mới nhằm chống đói cũng là chuyện phải tính toán. Ngoài các loại cây trồng “truyền thống”, khi ấy Chư Sê chọn cây bắp lai Bioseed giỏi chịu hạn, dễ canh tác, năng suất cao, lên đến 4-5 tấn hạt/ha.

Người dân chăm sóc bắp. Ảnh: NGỌC SANG

Người dân chăm sóc bắp. Ảnh: NGỌC SANG

Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi tôi học ở miền Bắc, Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những trường được ưu tiên nhiều thứ, trong đó lương thực là hàng đầu. Tiêu chuẩn của học viên khi ấy là 21 kg/tháng nhưng chủ yếu là... bắp hạt Bioseed. Vì loại bắp này màu đỏ nên chúng tôi gọi là bắp đỏ, chiếm 2/3 số lương thực chúng tôi được cấp. Dẫu hậu cần nhà trường tìm mọi cách chế biến nhưng đám học viên chúng tôi rồi cũng ngán ngẩm với loại lương thực này. Vì thế, khi về Chư Sê, thấy lãnh đạo huyện khuyến khích nông dân phát triển loại bắp này với diện tích hơn 2.000 ha, tôi không thể không lo cho đầu ra của sản phẩm. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, bắp Bioseed mà chúng tôi ăn khi còn học ngoài Bắc là của nước ngoài viện trợ cho ta làm lương thực, nhưng ở nước họ thì dùng để làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho... gia súc, gia cầm. Và Bioseed trồng ở Chư Sê cũng thế, là nguyên liệu sản xuất thức ăn cho động vật nuôi. Nhưng như tôi đã nói ở trên, đến mùa thu hoạch, huyện không thể tìm được nơi tiêu thụ dù khi đó Gia Lai có đủ các công ty lương thực, thương nghiệp cấp 1, 2, 3...

Một trong những khó khăn trong khâu tiêu thụ bắp Bioseed là mùa thu hoạch lại đúng vào giữa mùa mưa Tây Nguyên (tháng 7, 8). Thu hoạch không thể phơi khô, đơn vị thu mua lại không mua bắp tươi. Để ngoài đồng thì bắp lại nảy mầm, bởi đặc điểm của Bioseed là vỏ mỏng, hở 1/3 quả tính từ phía trên xuống, nên khi nước mưa thấm vào là lên mầm. Do vậy, huyện đã mời các nhà khoa học về nghiên cứu chế tạo lò sấy. Không lâu sau, những chiếc lò sấy cố định ra đời và... phá sản (nếu có thể, trong một bài viết khác tôi sẽ kể về chiếc lò sấy này hầu chuyện bạn đọc sau). Đến lúc “cái khó bó hết cái khôn” thì bỗng một hôm, trên một tờ báo mà tôi tình cờ đọc được viết về chuyện ở Đông Nam Bộ có hàng ngàn héc ta bắp trồng không bị nảy mầm, đó là giống bắp lai DK 888, nhập khẩu từ Thái Lan. Thường trực Huyện ủy bấy giờ sau khi thống nhất đã chỉ đạo phòng chức năng tìm hiểu kỹ loại giống bắp này. Và...

Vụ đầu tiên, một hôm, khi làm việc với lãnh đạo xã Nhơn Hòa (giờ là thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), tôi đề nghị xã cho xem vùng trồng bắp giống mới DK 888. Một cánh đồng bắp hiện ra trước mắt, tôi không thể ngờ, mới chỉ hơn tháng kể từ khi xuống giống mà cây đã lên quá gối và xanh tốt đến ngút ngát. Một trong những người chủ của ruộng bắp kia đặt cho tôi câu hỏi làm mọi hứng khởi khựng lại: “Nông dân chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo huyện đã hỗ trợ một phần giống, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm, nhưng rồi đây liệu có bán được hay như bắp lai Bioseed?”. Tôi còn nhớ, vụ mùa năm 1995, bà con nông dân toàn huyện cũng mới chỉ trồng chưa đầy ngàn héc ta, mà đầu ra còn viển vông lắm. Tin lành đồn xa, chuyện ở một huyện miền núi xa xôi tận Tây Nguyên, nông dân trồng nhiều bắp lai của người Thái đã “bay” tới tai nhà sản xuất giống. Và, không bao lâu sau, việc cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm bắp lai DK 888 không còn là nỗi lo của các lãnh đạo huyện và bà con nông dân trồng bắp nữa.

Niềm vui nối tiếp niềm vui... Với những chính sách khuyến khích cả bằng vật chất và tinh thần của nhà cung cấp giống, vụ mùa năm sau, Chư Sê trở thành vùng bắp tập trung, có lúc diện tích bắp lên đến 7.000-8.000 ha. Người của nhà sản xuất giống bắp DK 888 đến tận ruộng tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ, rút kinh nghiệm tại chỗ... Và chính sách của họ là hộ nào trồng bắp DK 888 với diện tích từ 1 ha trở lên, năng suất đạt 5-6 tấn hạt/ha sẽ được mời đi tham quan du lịch tại Thái Lan 1 tuần, chi phí do nhà cung cấp giống tài trợ. Hàng chục hộ trồng bắp lai DK 888 ở Chư Sê không bao lâu được xuất ngoại. Và cũng từ đây, phần lớn đời sống của các hộ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, chủ trương của huyện khi ấy là phát triển nông nghiệp phải trên cơ sở quy hoạch nên diện tích bắp trong giai đoạn ấy không để vượt lên một vạn héc ta. Đến khi các loại cây công nghiệp dài ngày “lên ngôi” thì quy hoạch đã không còn giá trị nữa. Cà phê, cao su, hồ tiêu lần lượt thay vào diện tích đã quy hoạch cho cây ngắn ngày nói chung, cây bắp nói riêng.

Những năm gần đây, các loại cây công nghiệp dài ngày liên tục mất mùa, mất giá, nhiều hộ nông dân Chư Sê (và Chư Pưh) lâm vào nợ nần chồng chất, thậm chí không ít hộ vỡ nợ. Vấn đề rút ra là sản xuất nông nghiệp phải chịu sự rủi ro của nhiều yếu tố, nhưng nếu chịu sự “điều chỉnh” của bài toán được quy hoạch thì có thể rủi ro sẽ được hạn chế. Được biết hơn 10 năm trở lại đây, trên thị trường đã có nhiều giống bắp lai thay thế cho giống DK 888 thuở nào, năng suất và chất lượng không hề thua kém. Nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng tỷ ngoại tệ mạnh để nhập khẩu bắp nguyên liệu, trong khi điều kiện và tiềm năng sản xuất loại cây này trong nước không phải không còn. Thực tế đó chẳng phải là điều chúng ta cần suy ngẫm?

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202004/ngam-ve-cay-bap-5678046/