Ngẫm về sen ở Làng Sen...
Ở Làng Sen (Nam Đàn - Nghệ An), từ xa xưa, sen đã ở với người. Sen trong ao nhà, sen ở ao làng, sen giữa những cánh đồng bát ngát… Sen làm nên tên làng. Sen làm nên hồn người.
Làng Sen đã nở ra một đóa sen thơm, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất: Hồ Chí Minh. Ảnh Internet
Từ TP Vinh, con đường về Làng Sen quê Bác là con đường với bao cảnh sắc thân thuộc. Con đường ấy chỉ dài 15 cây số mà miên man trong tôi hàng ngàn ký ức vọng về từ lịch sử và những kỷ niệm tuổi thơ… Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau đều thân thương, vấn vít.
Con đường lên quê Bác ngày xưa theo lối người đi bộ và đi xe đạp thật dài. Dài và đẹp. Cái dài làm cho bước hành hương thêm ý nghĩa. Cái đẹp của thiên nhiên làng quê nước Việt thật gần gũi mà lung linh, huyền diệu.
Trên con đường về quê Bác năm nay - bằng ô tô lướt qua những xóm làng dọc QL 46 như phố thị, tai tôi lại văng vẳng đoạn văn của Hoài Thanh và Thanh Tịnh mà chúng tôi thuộc lòng trong tiết giảng văn “Phong cảnh quê Bác”: “Trước mắt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh, xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt mà của lúa đương thì con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và nhiều màu xanh khác nữa…”.
Về quê Bác là về Làng Sen. Mắt nhìn đầu tiên là sen. Cảm xúc đầu tiên là sen.
Rất nhiều du khách, khi đến thăm quê Bác đều mang theo một bó sen thơm để dâng lên Người. Ảnh Huy Tùng
Tên “Cồn Sen”, “Làng Sen”, “Kim Liên” có từ lâu đời cùng với hoa sen. Dường như hoa sen nở trước hàng trăm năm ấy là để ướp hương cho trời đất một vùng, để chuẩn bị cho việc sinh ra một con người đẹp nhất vào ngày 19/5/1890; con người sẽ giải phóng dân tộc, sẽ “vạch đường đi cho dân tộc theo đi” vào thế giới văn minh, hiện đại, sánh vai cùng cường quốc năm châu.
Hoa sen có nhiều nơi trên thế giới, mang giá trị cái đẹp phổ quát. Trước Công nguyên, các tín đồ của đạo Phật đã gắn hoa sen với Đức Phật với một nhận thức, một hàm ý sen chứa đựng những gì trong sạch, cao quý, kết tinh nhất của tâm hồn và trí tuệ con người.
Ở Việt Nam, ở đâu cũng có sen. Sen mênh mông Đồng Tháp Mười, sen quấn quýt với bờ tre, ruộng lúa trên đồng bằng Bắc Bộ. Sen nở dọc miền Trung làm dịu đi cả một miền cát cháy. Sen trên bàn thờ mỗi nhà. Sen trong văn chương, nghệ thuật. Sen trong lời nói thường ngày. Sen cùng người đi qua năm tháng: “Sen tàn, cúc lại nở hoa”; “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.
Sen là tình nghĩa thủy chung “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Sen là đạo đức, phẩm hạnh “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Không chỉ hoa, mà lá sen không thấm nước, cũng là biểu tượng của sự sạch sẽ, sự tự làm sạch mình.
Sen là kỷ niệm thơm mát tuổi học trò: “Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ”.
Sen là vị thuốc quý có thể chữa được nhiều thứ bệnh, nhất là làm cho con người dễ ăn, dễ ngủ, xua tan được sự ưu phiền trong cõi thế nhọc nhằn, làm cho tâm hồn thư thái.
Căn nhà đơn sơ của gia đình Bác ở Làng Sen. Ảnh Internet
Sen ở Làng Sen lại càng đặc biệt. Ở đây, từ xa xưa, sen đã ở với người. Sen trong ao nhà, sen ở ngõ làng, sen giữa những cánh đồng bát ngát… Sen làm nên tên làng. Sen làm nên hồn người. Và Làng Sen đã nở ra một đóa sen vàng, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất.
Ở Nam Đàn, ao nối ao, sen thơm suốt dọc đường của bước chân du khách. Hoa sen ở đây không bán, mà chỉ để làm đẹp cảnh làng, để dâng lên bàn thờ của Bác trong suốt cả mùa hoa. Bàn thờ Bác không chỉ ở Nhà tưởng niệm của Khu Di tích mà có trong nhà mỗi người dân Kim Liên cùng với bàn thờ gia tiên.
Học giả Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) cho rằng, người Xứ Nghệ có tính chất phác, hồn hậu. Người lính Xứ Nghệ trung thành, quả cảm, nếu khéo dùng sẽ trở nên vô địch. Đậm đà tính cách hiền hậu, giỏi giang Xứ Nghệ là người Kim Liên, Nam Đàn. Anh bạn Nguyễn Bá Tân của tôi, trước làm Báo Nghệ An, sau ra Báo Đại đoàn kết, khi ai hỏi về quê, anh trả lời: “Thường thôi, quê Bác!”.
Câu này dân gian vẫn nói. Sau cái uy-mua là một niềm tự hào, một nhắc nhở. Làm người dân quê Bác phải tốt hơn, phải cách mạng hơn, phải không được làm ảnh hưởng danh dự quê hương. Cho nên đến Kim Liên, ngoài việc viếng thăm nhà Bác, vào sâu hơn sẽ thấy hình ảnh một xã hội Nghiêu Thuấn với những quan hệ con người vô cùng thân thiết.
Ngày xưa cũng đã vậy, tối lửa tắt đèn, sướng khổ có nhau. Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, dân Làng Sen đã góp nhau một ngôi nhà gỗ mái mía để làm nơi ở và đón cụ vinh quy. Chao ôi, cái nghèo! Nhìn cái bếp đơn sơ, nhìn tấm phản Bác và anh Khiêm của Bác nằm ngày nhỏ, không ai là không bồi hồi, nhỏ lệ…
Tôi đã có dịp trò chuyện với chị Trần Bích Đảm và các chị em trong Phòng Tuyên truyền - Giáo dục của Khu Di tích Kim Liên. Họ chủ yếu làm công việc thuyết minh và sự xúc động từ sâu thẳm trái tim của họ đã làm xúc động mọi đoàn khách. Bích Đảm quê xã Nam Giang (Nam Đàn) và đã có hàng chục năm công tác ở đây. Làm thuyết minh, lương không cao, ít có điều kiện để “thăng tiến” theo kiểu nhiều người vẫn nghĩ. Vậy mà bao thế hệ đã gắn bó không rời.
Các hướng dẫn viên trong Khu di tích Kim Liên thực sự là một bông hoa đẹp của Làng Sen...
Cùng với niềm tự hào được giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác còn có nhiều điều khác nữa, không thể nói thành lời. Không phải khi thuyết minh, mà khi nói chuyện bình thường, họ cũng không cầm được nước mắt: càng hiểu, càng thương Bác, mồ côi mẹ từ sớm và suốt đời không được có người thân ở bên cạnh. Điều ấy người thường ai cũng có, riêng Bác thì không. Bác đã hy sinh tất cả cho dân, cho nước.
Càng hiểu, càng thấy Bác vô cùng vĩ đại ở những điều nho nhỏ, bình thường nhất, ở sự gần gũi không hề có khoảng cách nào đối với tất cả chúng ta. Tôi từng gặp một cựu chiến binh Mỹ trong một lần đến quê Bác cách nay mấy năm. Ông cho hay, ông đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam. Để hiểu vì sao nước Mỹ thua trận và ra về tôi bỗng thấy như mình đang mang trái tim Việt Nam.
Một nhà sư Bu-tan cũng từng thổ lộ: “Đến đây, tôi càng hiểu hơn và vô cùng cảm phục Hồ Chí Minh. Tôi đã hiểu vì sao người Việt Nam yêu Bác Hồ của họ đến thế. Bây giờ tôi cũng yêu Bác Hồ như người Việt Nam”… Có lẽ, những điều ấy làm cho các cán bộ, nhân viên Khu di tích Kim Liên càng tự hào, càng hạnh phúc với công việc của mình.
Và tôi thấy, họ thật sự là những bông sen đẹp của Làng Sen…
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/ngam-ve-sen-o-lang-sen/192211.htm