Ngăn chặn bạo lực học đường bằng nhiều cách làm hay
Bạo lực học đường đã, đang và sẽ là một trong những vấn nạn của lứa tuổi học trò. Ngày nay, bạo lực học đường không còn ở dạng thể xác như đánh đấm, gây thương tích… mà nó đã diễn biến thành những đòn tấn công tâm lý, cô lập, xúc phạm nhân phẩm, hạ nhục nhau bằng các hội nhóm mạng xã hội khiến nạn nhân chịu nhiều cú sốc tâm lý. Không lơ là trước tình trạng bạo lực học đường 'leo thang' và phức tạp, các học sinh và cả nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp cho bản thân, bạn bè và học trò của mình.
Bạn Nguyễn Ngọc Chi, lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Du, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, kiến nghị: “Tình trạng bạo lực học đường hiện nay diễn ra khá phức tạp. Bạo lực tinh thần lẫn bạo lực thể xác đều đáng sợ như nhau. Một mình em thì không thể nên em muốn các bạn cùng chung tay với em để có thể hạn chế tình trạng này. Em mong nhà trường liên tục mở ra những hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền về bạo lực học đường và sự nghiêm trọng của nó. Ngay trong một lớp học, ngay khi phát hiện có dấu hiệu bạo lực, chính các thành viên trong lớp phải chung tay ngăn chặn vì một người mạnh cũng không thể ức hiếp được một người yếu khi người đó có tập thể bên cạnh. Ngoài ra, khi phát hiện bạo lực phải báo ngay cho thầy cô và đoàn trường để có hành động ngăn chặn và xử lý kịp thời”.
Em Lâm Huỳnh Gia Hân, lớp 6G, Trường THCS Nguyễn Du, xã Tắc Vân, chia sẻ: “Ngăn chặn bạo lực học đường không có cách nào hay hơn việc tạo ra môi trường cho các bạn xích lại gần nhau. Nhà trường nên khuyến khích, thậm chí có thể bắt buộc học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ như âm nhạc, hội họa… Từ những buổi sinh hoạt và không có Internet, chúng em được tiếp xúc, trò chuyện, cởi mở trao đổi. Khi khoảng cách được kéo gần thì mọi hiểu lầm, nghi kỵ cũng được xóa bỏ. Giả sử có khúc mắc hay hiểu lầm, chúng em cũng thông qua các buổi sinh hoạt này để bình tĩnh ngồi xuống trò chuyện và xử lý tình huống sao cho văn minh, lịch sự”.
Không chỉ xóa bỏ khoảng cách và tăng tương tác trò chuyện trực tiếp, các em học sinh hiện có xu hướng rủ nhau tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện, các câu lạc bộ bảo vệ môi trường... Một khi cùng hướng về việc làm thiết thực, ý nghĩa cho xã hội, các bạn sẽ tự nhận ra sống tử tế thì cần tránh việc làm tổn thương người khác cả thể xác lẫn tinh thần.
Bạn Lâm Anh Thư, lớp 12B5, Trường THPT Cà Mau, cho biết: "Em và bạn bè cùng tham gia Câu lạc bộ Nối vòng tay lớn. Ngoài thời gian học, chúng em sẽ cùng hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa, các hội thi, các phong trào... Ngoài ra, chúng em cũng tích cực thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, các hoạt động thiện nguyện ở các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật... Từ việc cùng nhau làm những điều ý nghĩa, chính mỗi thành viên trong câu lạc bộ sẽ tự biết trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội và với chính mình, sẽ biết suy nghĩ kỹ trước mỗi lời nói, hành động, tránh những điều nông nổi. Thêm nữa, khi chúng em có nhiều việc để làm thì không còn thời gian rảnh rỗi để nói về người này, chuyện nọ, hạn chế tối đa những va chạm không đáng có. Hầu như các bạn trong câu lạc bộ gặp nhau là vui cười, là bàn các kế hoạch hoạt động cho trường, cho lớp, cho mọi người thay vì tám chuyện không đâu".
Bạo lực học đường là một vấn đề cực kỳ nan giải và nhà trường coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Ngay từ đầu năm, các trường đã tổ chức sinh hoạt thật kỹ cho học sinh về nội quy và kỹ năng ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống.
Thầy Ninh Ngọc Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết: “Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch liên tịch với Công an xã, Ban đại diện cha mẹ học sinh để phòng chống bạo lực học đường. Chúng tôi mời các đồng chí công an xã về tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, an toàn giao thông… Chúng tôi muốn giáo dục học sinh ý thức phòng chống bạo lực ngay từ sớm nhất vì nó liên quan đến tính mạng, tâm sinh lý và kéo theo hệ quả to lớn. Không chỉ giáo dục sớm mà phải liên tục để học sinh thấm nhuần và làm theo. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển thêm những hoạt động đoàn, hội và các câu lạc bộ để học sinh có nhiều không gian tiếp xúc và đồng cảm với nhau hơn. Chỉ có sự trao đổi trực tiếp mới tránh hiểu lầm và xóa bỏ hiểu lầm tốt nhất. Còn vấn đề bạo lực mạng, bạo lực tinh thần, thầy cô chủ nhiệm chính là chìa khóa và là người theo dõi để sớm phát hiện từ quan sát tính cách, biểu hiện của học sinh qua từng ngày, từng giờ. Chúng tôi có phòng tư vấn học sinh để các em giải tỏa tâm lý. Chúng tôi có nhóm zalo riêng với phụ huynh, chỉ có giáo viên chủ nhiệm và đại diện phụ huynh của lớp được trao đổi, còn lại các phụ huynh khác sẽ trao đổi riêng với giáo viên để không lộ thông tin con em mình. Từ đó, nhà trường phối hợp với gia đình để có biện pháp can thiệp khi phát hiện dấu hiệu bạo lực học đường”.
Không chỉ tại các trường học ở TP Cà Mau mà các huyện cũng có kế hoạch sát sao trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Điển hình như Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Năm Căn đã chỉ đạo các trường tăng cường theo dõi, dự báo và các chương trình định kỳ thường xuyên để giúp cha mẹ, học sinh và giáo viên nhận diện được những hành vi bắt nạt, cách thức ứng xử phù hợp; phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi của học sinh; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thể thao và hoạt động xã hội; chỉ đạo các trường tăng cường giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh; kết hợp với các tổ chức xã hội để ngăn chặn và loại trừ những tội phạm bạo lực diễn ra xung quanh trường học; sàng lọc những học sinh có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi đối mặt với kẻ bắt nạt; làm gương cho học sinh bằng cách tạo ra một môi trường giáo dục an toàn và tôn trọng lẫn nhau (xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong học đường); xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực học đường để tạo sức răn đe.
Những biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía, bao gồm gia đình, nhà trường và toàn xã hội để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Ông Hứa Trọng Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Năm Căn, cho biết: “Học sinh cần được tích cực rèn luyện kỹ năng sống, các chuẩnmuwjc đạo đức và cương quyết nói không với bạo lực. Việc chấp hành tốt nội quy trường lớp cũng là một phần quan trọng xây dựng môi trường an toàn. Các trường học phải tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của bạo lực học đường, cách phòng tránh cho cả học sinh và giáo viên. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là rất cần thiết trong việc theo dõi và giáo dục học sinh. Hình thức giáo dục và hỗ trợ cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, nếu phát hiện bạo lực, học sinh cần báo ngay cho giáo viên hoặc cơ quan có thẩm quyền để được can thiệp kịp thời. Thông qua các biện pháp này, trường học có thể tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho tất cả học sinh”.
Ngoài ra, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Năm Căn yêu cầu các trường tuân thủ quy trình hướng dẫn theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/7/2017 Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Điều quan trọng là duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan liên quan trong mọi hoạt động phòng chống bạo lực học đường.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-bang-nhieu-cach-lam-hay-a35354.html