Ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, có khả năng gây dịch trên diện rộng. Nhằm chủ động phòng chống, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào địa bàn, tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó thông qua công tác giám sát, kịp thời phát hiện ca bệnh, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu có); nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương và ý thức phòng bệnh cho toàn thể nhân dân.

Giáo viên Cơ sở mầm non tư thục Hồng Hà, thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Trà Hương

Giáo viên Cơ sở mầm non tư thục Hồng Hà, thành phố Vĩnh Yên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Trà Hương

Chủ động ngăn chặn

Bác sĩ Khổng Văn Cường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Đậu mùa khỉ là bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, hiện đã lan ra nhiều quốc gia trên toàn cầu. Bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người thông qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng chứa mầm bệnh.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh là sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, phát ban, nổi mụn nước ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực, có thể gây nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Mặc dù hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh là điều cần thiết.

Kiên định phương châm luôn đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên hàng đầu, tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ; yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng dập dịch trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tổ chức giám sát phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập vào địa bàn (nếu có).

Khi có dịch xảy ra, cần kịp thời điều tra, truy vết, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Các địa phương tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống dịch; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, huy động lực lượng phản ứng nhanh với dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động phòng, chống dịch.

Các huyện, thành phố cũng chủ động phối hợp với ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện và các điều kiện nhằm đáp ứng kịp thời với công tác phòng, chống dịch; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để người dân hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó, giúp người dân thay đổi ý thức và hành vi, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh, chủ động khai báo y tế khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc phát hiện người nhiễm bệnh.

Giám sát chặt chẽ

Với vai trò chủ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cùng với chuẩn bị chu đáo các điều kiện về nhân lực, vật lực, thuốc, cơ sở điều trị, tổ chức phân luồng, thu dung, điều trị cho người bệnh khi có dịch xảy ra, ngành Y tế chú trọng thực hiện công tác giám sát cộng đồng và giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh để sớm phát hiện trường hợp nghi ngờ, triển khai các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo.

Đặc biệt, tăng cường giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, giám sát đối tượng nguy cơ cao bao gồm người đồng giới, người suy giảm miễn dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ (nếu có).

Với mục tiêu ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào tỉnh, các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động giám sát người nhập cảnh vào địa bàn, đặc biệt là người đi/về từ các quốc gia có dịch.

Người trở về từ vùng có dịch lưu hành được lực lượng chức năng hướng dẫn chủ động theo dõi sức khỏe, khai báo y tế và hạn chế tiếp xúc với người khác khi có các biểu hiện sốt, ho, ớn lạnh, nổi hạch, phát ban…

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức và hiểu biết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người dân đã được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi đã hiểu về mức độ nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe, tôi luôn chú trọng chế độ dinh dưỡng, tăng cường thể lực để phòng bệnh, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, tuân thủ nghiêm các biện pháp khác nhằm phòng bệnh”.

Cùng với chủ động đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt là các trường hợp phát hiện mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A nhưng trốn tránh khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, dẫn tới nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/83066/ngan-chan-benh-dau-mua-khi-xam-nhap-vao-dia-ban.html