Ngăn chặn bệnh nịnh trong xã hội

Để ngăn chặn, giảm bớt, tiến tới loại trừ bệnh nịnh, trước hết mỗi người phải biết tự đề cao nhân cách của mình...

Nịnh còn gọi là xu nịnh, nịnh hót, nịnh đầm, nịnh thối, nịnh nọt, nịnh bợ... Từ điển tiếng Việt giải thích: "Nịnh là khen không đúng hoặc khen quá lời, chỉ cốt để làm đẹp lòng, thường nhằm mục đích cầu lợi". Từ khái niệm trên, ta dễ dàng nhận ra nghĩa của nịnh là tâng bốc, là "đưa nhau đi tàu bay giấy"… Vì mục đích cầu lợi nên đối tượng đi nịnh nhìn chung là kẻ yếu thế.

Về phương pháp thì nịnh có rất nhiều cách. Nịnh bằng lời, nghĩa là người đi nịnh tìm mọi việc dù là nhỏ của người được nịnh để khen, ca ngợi, tâng bốc. Cách nịnh thứ hai rất ít lời tâng bốc nhưng hiệu quả lớn, đó là nịnh bằng tiền và vật chất như tặng ti vi, tủ lạnh, bộ bàn ghế đắt tiền, xe máy, ô tô, đất đai… mà chúng ta gọi chung là hối lộ, tham nhũng. Thậm chí có trường hợp nịnh bằng chính thân xác mình hoặc thân xác của vợ con mình cho kẻ có quyền. Người đi nịnh "sáng tạo" ra không biết bao nhiêu cách, có thể nói đạt tới trình độ "nghệ thuật".

Qua nghiên cứu văn hóa dân gian, ta rất dễ nhận ra nịnh có lịch sử lâu đời, ít ra là từ thời xã hội có sự phân tầng người có quyền và người không có quyền. Song nói đến nịnh thì mọi người đều có cảm nhận chung là ghét nó. Nhưng tại sao trong xã hội nào nịnh cũng tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh là đằng khác. Nịnh như một loại cỏ có thân ngầm và sức sống vô tận. Trả lời về sự tồn tại của nịnh đó là hai chữ quyền lợi. Kẻ được nịnh thì được tiền, của, đất cát… Người đi nịnh thì được lòng cấp trên. Từ đấy mà được địa vị, lương bổng, tiền của. Vậy là hai bên nịnh và được nịnh đều có lợi.

Cái lợi của việc nịnh thì đã rõ. Song đó là cái lợi thuộc về cá nhân: kẻ nịnh và kẻ được nịnh. Đó là cái lợi nhỏ, cái lợi không chính đáng. Cái hại của việc nịnh mới là lớn. Như trên đã nói mục đích của nịnh là vì quyền lợi. Vì mưu lợi cá nhân, họ (kẻ nịnh và được nịnh) có thể bóp méo luật lệ, đổi trắng thay đen, biến của công thành tư, xấu thành tốt… Nhân cách phẩm giá của họ không còn. Đạo lý nghĩa tình của họ cũng hết. Từ trung thực họ thành kẻ phản bội. Họ làm băng hoại đạo lý. Suy cho cùng, nịnh bợ là tiền đề của tham nhũng, tội ác và là con đường dẫn đến tù tội. Ta thử xem những cán bộ cấp cao do tham nhũng mà vào tù liệu có còn đứng trong hàng ngũ trung thực hay đã đứng sang đội ngũ nịnh?

Vậy làm thế nào để ngăn chặn, giảm bớt, tiến tới loại trừ bệnh nịnh? Có lẽ trước hết mỗi người phải biết tự đề cao nhân cách của mình. Nhân cách là phạm trù riêng không lệ thuộc vào chức vụ, sự giàu có hay học vấn. Nghĩa là không phải chức vụ cao là nhân cách cao, lắm của nhiều tiền là giàu nhân cách hay học vấn cao là nhân cách hơn người, mà có khi ngược lại. Ta cứ nhìn trong thực tiễn hàng trăm người phạm tội (tức là mất nhân cách) phải vào tù, khối người có chức vụ đầy mình, tiền của rủng rỉnh, bằng nọ cấp kia. Không chỉ giữ nhân cách cho cá nhân mình mà còn giữ nhân cách cho gia đình, dòng họ, cơ quan mình. Thứ hai là đề cao lối sống trung thực, trong sáng. "Đói cho sạch, rách cho thơm", bỏ "tham, sân, si" (tham lam, tức giận, ngu dốt) như kinh của đạo Phật đã dạy. Luôn nhớ luật nhân quả của xã hội là luật duy vật chứ không duy tâm. Có tham nhũng (nhân) mới phải vào tù (quả). Thứ ba là phải kiên quyết đấu tranh chống thói xu nịnh. Muốn chống được phải biết nhận mặt kẻ xu nịnh. Trong sân khấu tuồng cổ, vai nịnh được bôi mặt trắng như vôi, đôi lông mày cụp xuống cùng với hành động xun xoe. Ngày nay ta nhận mặt kẻ xu nịnh bằng hành động và việc làm là chính xác nhất. Thứ tư là không tiếp nhận sự xu nịnh, nghĩa là đừng biến mình thành kẻ ưa nịnh. Ở đời, nói ngọt, khen ai cũng thích. Quà cáp, tiền của chẳng ai chê. Song cần cảnh giác với người ngọt ngào thớ lợ, nay biếu mai tặng. Họ đang tiến hành một âm mưu gì đấy. Đừng quên rằng "của biếu là của lo, của cho là của nợ".

Vẫn biết rằng nịnh là căn bệnh nguy hiểm trong xã hội. Nịnh có tính lây truyền cao. Song nếu mỗi người thực hiện được những điều trên thì nịnh sẽ không còn đất sống.

VĂN DUY (Kinh Môn)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/ngan-chan-benh-ninh-trong-xa-hoi-110653