Ngăn chặn biến tướng đòi nợ thuê

Luật Đầu tư năm 2020 đã cấm các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là một quy định đúng đắn và phù hợp bởi từ một ngành, nghề vô hại, dịch vụ đòi nợ đã bị nhiều người lợi dụng để tiến hành các hoạt động trái quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Núp bóng “mua bán nợ” để hoạt động

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Việc chậm trả của bên vay là căn cứ cho thấy quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay đã bị xâm phạm, theo đó có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

Nếu bên vay có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, vay tiền sau đó bỏ trốn… nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm về các tội tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175). Trong trường hợp này, người cho vay cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay, đồng thời giải quyết vấn đề trả nợ vay theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Dịch vụ đòi nợ đã bị cấm, thế nhưng các công ty thu hồi nợ vẫn hoạt động được bởi kể từ khi dịch vụ đòi nợ thuê bị “khai tử” thì ngay lập tức núp bóng một dịch vụ khác đó là “Mua bán nợ”. Chính vì được coi là một loại tài sản, nên quyền đòi nợ được phép tham gia vào các giao dịch dân sự, trong đó có việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau. Dưới góc độ pháp lý, việc mua bán nợ được hiểu là bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến việc đòi nợ cho bên mua nợ. Xét về bản chất, việc mua bán nợ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng do cách thực hiện đòi nợ không đúng với quy định của pháp luật nên mới gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.

Sớm hoàn thiện các “kẽ hở”

Sở dĩ dịch vụ thu hồi nợ có nhiều biến tướng như vậy là xuất phát từ nhu cầu thực tế trong xã hội. Khi chuyện vay mượn nợ nhau rồi mất khả năng thanh toán hoặc chây ỳ không trả nợ vay vẫn còn xảy ra nhiều. Trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án. Có cầu thì ắt có cung, nếu cả đôi bên, đặc biệt là bên nợ cùng tuân thủ pháp luật, có nợ phải cố gắng trả, như vậy thì những dịch vụ đòi nợ và mua bán nợ kiểu xã hội đen mới không có đất hoạt động.

Ngoài ra, cần có thêm những quy định chặt chẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng công an.

Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán nợ mà chủ nợ ký với Công ty mua bán nợ là hợp đồng dân sự giả tạo để che giấu giao dịch thực sự là đòi nợ thuê. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng này vô hiệu. Mặt khác, hợp đồng đòi nợ thuê cũng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật vì dịch vụ đòi nợ thuê thuộc danh mục cấm kinh doanh. Do vậy, hoạt động đòi nợ thuê bị pháp luật cấm và phải chịu mức phạt tiền 60-80 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê có thể phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê. Tuy nhiên, so với những “món lợi ích” rất nhiều từ hoạt động này, mức xử phạt như pháp luật quy định hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe, nghiêm trị.

Theo Luật sư Hùng, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, núp bóng góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Ngoài ra, các chủ nợ cũng cần lựa chọn các phương thức đòi nợ phù hợp, đúng quy định của pháp luật bởi các chủ nợ vẫn có thể bị xử lý hình sự ngay cả khi ký hợp đồng mua bán nợ để bên thứ 3 đòi nợ thay. “Đặc biệt, cần nghiên cứu và sớm phải luật hóa với những điều kiện cụ thể, quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ liên quan đến hoạt động “mua bán nợ” để ngăn chặn sự biến tướng của hoạt động đòi nợ thuê” - Luật sư Hùng nhấn mạnh.

H.Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ngan-chan-bien-tuong-doi-no-thue-5702963.html