Rút kinh nghiệm một vụ án lừa đảo hơn 5 tỉ đồng
Mặc dù không có quyền sử dụng đất và biết rõ 3 thửa đất đang bị thế chấp nhưng các bị cáo vẫn ký hợp đồng và nhận cọc 5,76 tỉ đồng...
Vừa qua, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án bị cáo H cùng đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Nội dung vụ án
H thành lập và điều hành hoạt động của 3 công ty: Công ty ĐB (H làm Tổng giám đốc); Công ty WQ (T làm Giám đốc), Công ty KQ (N làm Giám đốc).
Từ ngày 10-10-2019 đến ngày 15-1-2020, H với tư cách là Tổng giám đốc Công ty ĐB đã chỉ đạo T và N thế chấp 3 thửa đất và một số tài sản khác để vay vốn tại ngân hàng số tiền 38 tỷ đồng.
Sau đó, mặc dù 3 thửa đất đang thế chấp tại ngân hàng, nhưng H vẫn tiếp tục chỉ đạo N, T lấy tư cách Công ty WQ và Công ty KQ ký hợp đồng môi giới độc quyền với Công ty ĐB, để Công ty ĐB môi giới, giao dịch và thu tiền cọc 3 thửa đất trên của 3 người khác. Và sau đó lấy nhiều lý do khác nhau để trốn tránh việc chuyển nhượng 3 thửa đất, chiếm đoạt số tiền đặt cọc 5,76 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, các bị cáo H, T và N bị tuyên bố phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo H bị tuyên phạt 12 năm tù, T 8 năm tù và N 4 năm tù.
Sau khi xét xử sơ thẩm, viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị phúc thẩm với nội dung không áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS, tăng hình phạt đối với bị cáo N; không tuyên buộc bị cáo H phải bồi thường cho các bị hại số tiền hơn 3,6 tỉ đồng và chịu án phí dân sự sơ thẩm. Còn 3 bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo H khai nhận số tiền 38 tỉ đồng vay từ ngân hàng đã chuyển khoản về tài khoản của Công ty ĐB, sau đó rút ra đưa cho bị cáo trả nợ. H còn khai nhận Công ty ĐB đóng góp 5% trong tổng số tiền vay để mua bất động sản nhưng vấn đề này chưa được điều tra làm rõ. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty ĐB vào tham gia tố tụng là có thiếu sót nên cần rút kinh nghiệm.
Cạnh đó, theo các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp cho Công ty KQ và Công ty WQ thì 2 công ty này không được phép kinh doanh bất động sản. Mặt khác 2 công ty này không có tài sản là các quyền sử dụng đất trên.
Mặc dù H không có quyền sử dụng đất và biết rõ 3 thửa đất đang bị thế chấp để vay tiền ngân hàng nhưng các bị cáo H, T, N vẫn thực hiện hợp đồng đặt cọc và nhận tiền cọc của 3 cá nhân khác với số tiền 5,76 tỉ đồng và không dùng số tiền này để thanh toán tiền vay cho ngân hàng mà sử dụng cho mục đích cá nhân.
Do đó, hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 hợp đồng đặt cọc này đã vô hiệu ngay từ đầu do bị lừa dối. Mặc dù 3 hợp đồng đặt cọc đã vô hiệu do bị lừa dối, nhưng bản án sơ thẩm vẫn công nhận sự thỏa thuận để cho các bên đương sự tiếp tục thực hiện hợp đồng và tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo 3 hợp đồng đặt cọc đã vô hiệu là vi phạm pháp luật. Do đó, cần hủy bản án hình sự sơ thẩm để xác định lại các hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là vô hiệu.
Ngoài ra, đối với hợp đồng đặt cọc một trong 3 thửa đất đã bị ông L (1 trong 3 bị hại) khởi kiện Công ty ĐB và Công ty KQ về tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Và tại bản án dân sự sơ thẩm đã bác yêu cầu tiếp tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Buộc Công ty KQ phải trả cho ông L số tiền 200 triệu đồng; buộc Công ty ĐB trả cho ông L 2,64 tỉ đồng.
Xét thấy, hợp đồng đặt cọc đã được xét xử bằng một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó, Cơ quan CSĐT lại điều tra về chính hành vi này vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng lại không kiến nghị hủy bản án dân sự nêu trên là không đúng quy định. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án dân sự sơ thẩm đối với hợp đồng đặt cọc nêu trên. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Do đó, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến các VKS trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm chung.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/rut-kinh-nghiem-mot-vu-an-lua-dao-hon-5-ti-dong-post820070.html