Ngăn chặn cuộc gọi rác

Theo chị Thùy Linh (trú tại phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội), thay vì trước đây mỗi ngày chị phải nhận từ bốn đến năm cuộc gọi đề nghị mua bất động sản hay bảo hiểm thì hiện số cuộc gọi làm phiền đã giảm đáng kể.

Theo chị Thùy Linh (trú tại phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội), thay vì trước đây mỗi ngày chị phải nhận từ bốn đến năm cuộc gọi đề nghị mua bất động sản hay bảo hiểm thì hiện số cuộc gọi làm phiền đã giảm đáng kể.

Thực tế, không chỉ chị Linh mà nhiều người dân khác cũng nhận thấy số tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo đã giảm trong vài tháng trở lại đây. Đó là do từ ngày 1-10-2020, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác bắt đầu có hiệu lực với những biện pháp, chế tài mạnh mẽ, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp viễn thông cũng đã quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn, xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vốn gây nhiều phiền hà cho người dùng di động bấy lâu nay. Cụ thể, từ đầu tháng 7-2020, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra văn bản gửi các nhà mạng yêu cầu thực hiện nghiêm việc ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong văn bản này, cục đã thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định. Nhờ đó, theo thống kê của Cục Viễn thông, trong sáu tháng cuối năm 2020, đã có tổng cộng gần 90 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các nhà mạng ngăn chặn. Tính riêng trong tháng 12-2020, đã có tổng cộng hơn 17 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý; trong đó, nhà mạng Viettel chặn được 7.844 thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 45%); VNPT/VinaPhone chặn 7.301 thuê bao (42%); MobiFone chặn 1.155 thuê bao (7%);… Dù cuộc chiến chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã có những kết quả bước đầu tích cực, nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết triệt để. Do đó, thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục phối hợp các nhà mạng triển khai thêm nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác; đồng thời, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về sim rác, tin nhắn rác, chú trọng tuyên truyền để người dân sử dụng sim thuê bao chính danh.

Cơ quan chức năng lưu ý, người dùng di động cũng cần chủ động tham gia đóng góp nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Cụ thể, sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi đi câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD để thu thập ý kiến người dùng. Lúc này, người dùng cần phối hợp trả lời tin nhắn để phản ánh cụ thể về nguồn phát sinh cuộc gọi rác. Thực tế, với các tiêu chuẩn nhận diện cuộc gọi rác hiện nay, các đối tượng vẫn có nhiều cách để lách và thực hiện cuộc gọi quảng cáo như một cuộc gọi liên lạc thông thường. Nhưng với sự hợp tác của người dùng bằng cách trả lời câu hỏi xác thực của nhà mạng hoặc phản ánh trực tiếp đến tổng đài 5656 (hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác), hệ thống máy học (Machine Learning) kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà mạng sẽ “được dạy” cách nhận diện chính xác một cuộc gọi rác. Mỗi câu trả lời của người dùng đều sẽ góp phần giúp nâng cao độ chính xác của hệ thống.

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ngan-chan-cuoc-goi-rac-638941/