Ngăn chặn đầu cơ, trục lợi đấu giá biển số

Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đảm bảo chặt chẽ, không để lợi dụng quy định của pháp luật để làm sai lệch nội dung đấu giá. Đó là một trong những nội dung tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều nay 19/12.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT: Ngăn chặn đối tượng đầu cơ, trục lợi đấu giá biển số

Trả lời câu hỏi của phóng viên về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã trải qua gần 30 năm với 3 mốc thời gian, bắt đầu từ năm 1993, Công an một số địa phương đã thực hiện thí điểm đấu giá. Mốc thứ 2 là từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về xây dựng Nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô. Mốc thứ 3 là 5 năm gần đây, được sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an nên ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng ý rất cao, chứng tỏ Nghị quyết rất hợp với lòng dân.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT trả lời câu hỏi của phóng viên.

“Để triển khai Nghị quyết, chúng tôi đã tiến hành 4 bước với mục tiêu cao nhất là làm sao Nghị quyết đi vào cuộc sống, trong đó bước đầu tiên là bước xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Cụ thể, chúng tôi đang xây dựng Nghị định của Chính phủ và 2 Thông tư sửa đổi là Thông tư số 58 và Thông tư số 59” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh và khẳng định, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chặt chẽ, không để đối tượng lợi dụng quy định của pháp luật để làm sai lệch nội dung đấu giá. “Vấn đề thứ 2, chúng tôi xây dựng phần mềm đấu giá biển số xe đảm bảo công khai minh bạch, trong đó, đã dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình đấu giá và đặc biệt phòng ngừa trường hợp các đối tượng hacker can thiệp vào hệ thống, làm thay đổi kết quả đấu giá. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã cùng với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đặt ra các tình huống để xử lý” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, lực lượng CSGT đã cùng các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ, dự kiến những đối tượng, những điểm, những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong quá trình đấu giá, phòng ngừa đối tượng đầu cơ tích trữ biển số, thay đổi kết quả, lợi dụng đấu giá vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức đề nghị người dân, các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng giám sát để việc thực hiện Nghị quyết đảm bảo công khai, minh bạch, thu được ngân sách nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH: Mong muốn và vui lòng làm CCCD cho bất cứ ai chưa được làm

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hiện tượng người tâm thần, người đã hết thời hạn thi hành án phạt tù có khó khăn trong việc làm CCCD gắn chíp, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, lực lượng Công an đã làm được 76 triệu CCCD gắn chíp điện tử, số còn lại chưa làm được rất ít.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH trả lời câu hỏi của phóng viên.

Lực lượng Công an có rất nhiều cách làm hay như đưa xe đến tận nhà đón người già yếu đến trụ sở để làm CCCD; đến tận giường người ốm đau, bệnh tật, người bị khuyết tật để làm CCCD cho họ. “Chúng tôi mong muốn người dân ủng hộ chúng tôi đẩy nhanh tiến độ làm CCCD theo đúng kế hoạch. Chúng tôi rất vui để làm CCCD cho bất cứ người dân nào chưa được làm, chúng tôi mong muốn và sẵn sàng làm CCCD cho họ nếu đủ điều kiện. Ví dụ người tâm thần thì phải có người giám hộ” – Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Nhóm phóng viên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ngan-chan-dau-co-truc-loi-dau-gia-bien-so-i678208/