Ngăn chặn đổ vỡ domino kinh tế từ sai phạm đấu giá (Kỳ 3)

Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, khi hoạt động đấu giá được quản lý hiệu quả sẽ là đòn bẩy hữu hiệu để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và ngược lại, nếu đấu giá đi chệch khỏi quỹ đạo tốt đẹp thì sẽ không chỉ làm lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra những đổ vỡ với hệ lụy khó lường cho nền kinh tế, gây bất ổn xã hội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và siết chặt công tác quản lý Nhà nước cũng như tăng cường sự giám sát, kiểm tra giúp hoạt động đấu giá ngày càng minh bạch, khách quan, hiệu quả.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Đánh giá về công tác quản lý và đấu giá nguồn lực khoáng sản trên cả nước, thông tin với PV, đồng chí Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo số liệu báo cáo công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản năm 2023 cho thấy, Thanh Hóa đang là địa phương có nhiều điểm mỏ khoáng sản được cấp phép nhiều nhất cả nước.

Theo đó, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 337 điểm mỏ khai thác do UBND tỉnh cấp và 15 điểm mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, mất đất nông nghiệp; hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng không được che phủ làm phát sinh bụi gây ô nhiễm môi trường.

Công an tỉnh Thái Bình khám xét công ty Đường Dương của vợ chồng Đường “nhuệ” vì những hoạt động sai phạm liên quan đến đấu giá.

Công an tỉnh Thái Bình khám xét công ty Đường Dương của vợ chồng Đường “nhuệ” vì những hoạt động sai phạm liên quan đến đấu giá.

Tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường đối với báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" đã làm nóng nghị trường. Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, nhiều khu đô thị bị bỏ hoang. Giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân.

Về tình trạng giá đất tăng cao bất thường sau khi đấu giá ở nhiều địa phương, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, giá bất động sản ở các thành phố lớn ở nước ta rất cao, cao bất hợp lý và liên tục tăng lên. Điều này phản ánh động cơ mua bất động sản không phải để sử dụng mà để đầu cơ tích trữ. Điều này dẫn đến việc dòng tiền sẽ bị hút vào bất động sản, không còn tiền chảy vào các lĩnh vực kinh doanh khác.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho hay, thời gian qua, các phiên đấu giá vùng ven một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội được tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn người chấp nhận ăn chực nằm chờ để đấu được suất đất. Giá trúng cao kỷ lục, dù ở huyện ven đô nhưng cũng lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng. Các cử tri lo lắng về những hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng thông tin, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng xác nhận tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tăng cao như vừa qua. Thực tế đã cho thấy điều này, khi một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư sử dụng chiêu thức đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá, sau đó bỏ cọc, nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực mà họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận. Thực trạng này dẫn tới hậu quả người dân có nhu cầu thực nhưng không thể mua nổi đất, nhà vì giá nhà quá cao, trong khi đó các đối tượng đầu cơ lại lợi dụng những chính sách thông thoáng của Nhà nước trong Luật Đất đai, Luật Đấu giá để trục lợi, đào sâu, gia tăng rộng cách biệt giàu nghèo, bất công xã hội.

Trước đó, đại biểu Trần Hữu Hậu, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin, Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Sau đấu giá, giá tăng 20-40% so với giá khởi điểm. Có một thực tế được đại biểu Quốc hội đặt ra đó là tỷ lệ khu vực cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá lại thấp dù hiệu quả cao hơn. Vấn đề này cần phải được làm rõ nhằm nâng cao hiệu quả hơn công tác quản lý, cấp phép, gia tăng lợi ích cho người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính và Nhà nước không thất thoát nguồn lực phát triển.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đấu giá

Đồng chí Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: Nguyên nhân bỏ cọc có thể kể đến như doanh nghiệp tham gia đấu giá nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên nhiều trường hợp lầm tưởng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mua trọn gói mỏ khoáng sản. Ở đây, đấu giá là việc trả giá để được Nhà nước trao quyền khai thác khoáng sản. Ngoài tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp còn phải chi phí cho hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và các nghĩa vụ tài chính liên quan (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…) dẫn tới giá trị tài sản thường bị đẩy lên cao.

Nếu không quản lý chặt thì nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản sẽ chảy vào túi các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn phi pháp, gây thiệt hại nặng nề cho Nhà nước, bất ổn xã hội.

Nếu không quản lý chặt thì nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản sẽ chảy vào túi các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn phi pháp, gây thiệt hại nặng nề cho Nhà nước, bất ổn xã hội.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam, do tình trạng khan hiếm nguồn cung dẫn đến giá thị trường tăng cao, doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao để có được quyền khai thác. Nhiều trường hợp có nhu cầu khai thác khoáng sản phục vụ cho các dự án của chính mình do không mua được trên thị trường. Có tình trạng một số tổ chức, cá nhân cố tình trả giá cao để phá hoại cuộc đấu giá khi không đạt được mục đích cá nhân. Trong khi chế tài xử lý hiện hành chưa đủ tính răn đe. Theo tìm hiểu của PV, hiện hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý đến từng địa phương.

Thống kê mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 12 cuộc thanh tra, 4 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Các đơn vị sau đó ban hành 258 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, các chủ dự án về mỏ có một số vi phạm như: khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là sẽ xử lý nghiêm sai phạm này. Với những sai phạm về khoáng sản hoặc các tài nguyên khác có tính liên tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý tiếp.

Ghi nhận trực tiếp tại Hà Nam, một trong những địa phương sử dụng, phát huy tốt nguồn lực đất đai, triển khai hiệu quả hoạt động đấu giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đại tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra công khai, minh bạch.

Lực lượng Công an tỉnh Hà Nam triển khai hiệu quả việc nắm, dự báo tình hình, qua đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh công tác quản lý, sử dụng nguồn đất đai, tài nguyên, thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn. Cùng với đó, Công an tỉnh cũng triển khai các phương án, biện pháp đảm bảo tuyệt đối ANTT trước, trong, sau các cuộc đấu giá, đặc biệt không để tình trạng các đối tượng xã hội ép giá, thổi giá, lũng đoạn giá.

“Đất đai, khoáng sản là hữu hạn, chính vì vậy công tác quản lý và sử dụng phải thật sự hiệu quả mới phát huy được tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngược lại sẽ gây bất ổn đến xã hội”- Đại tá Lê Văn Tuấn đánh giá.

Theo tìm hiểu của PV, trong báo cáo thi hành Luật Đất đai sửa đổi được gửi đến Quốc hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng địa phương đưa ra mức giá khởi điểm không thực tế dẫn đến nhiều người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để kiếm lời. Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng. Một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định đấu giá và có dấu hiệu bỏ cọc. Hiện tượng này đã tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy hoạch chưa rõ ràng tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư diễn ra tràn lan. Nhiều cá nhân tham gia đấu giá không phải để ở mà chỉ nhằm mục đích đẩy giá, thổi giá rồi bán lại để kiếm lời, gây nên tình trạng sốt đất ảo.

Đánh giá về 3 vụ đấu giá khai thác mỏ cát ở Hà Nội, các chuyên gia tài chính dự đoán bên cạnh nguy cơ đánh giá không sát trữ lượng mỏ làm giá khởi điểm đưa ra quá thấp, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp đấu giá nhắm tới chiến thuật “tằm ăn dâu” vốn đã trở nên khá phổ biến trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng nói chung và khai thác cát nói riêng. “Tằm ăn dâu” là cách nói về việc các doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác mỏ cát thì chăm chăm khai thác lấn sang phạm vi các vùng được cấp phép khai thác hợp pháp”, mỗi ngày lấn một ít, sau một năm nhìn lại thì phạm vi khai thác đã lớn gấp nhiều lần “vùng lõi” hợp pháp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, phải quản lý chặt khâu khai thác và giá bán sau này đối với những mỏ khoáng sản thì việc doanh nghiệp đưa giá trúng lên trời càng có lợi cho ngân sách Nhà nước. Mấu chốt là phải quản lý chặt “đầu ra”, sản lượng khai thác và không để lũng đoạn tăng giá mặt hàng trong xã hội. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp đua nhau đẩy giá quyền khai thác cát lên hàng chục, hàng trăm lần so với giá khởi điểm.

Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều vụ khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép trên địa bàn các tỉnh, thành phố, từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam. Ngay trong vụ việc đấu giá mỏ cát tăng giá 308 lần tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc vụ doanh nghiệp 19 ngày tuổi vượt qua 21 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá liên tiếp 3 mỏ khoáng sản trên địa bàn. Cả UBND tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh đều giao Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia có các hành vi vi phạm (nếu có). \

(còn nữa)

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Trần Phương.

Đối với công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong thời gian qua kết quả thực hiện tại một số địa phương còn có những yếu tố bất thường như: Việc bỏ giá thực hiện qua rất nhiều vòng đấu, thời gian tổ chức cuộc đấu giá bị kéo dài, giá trúng đấu giá tăng cao đột biến (cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp chỉ riêng tiền trúng đấu giá đã cao hơn nhiều lần giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường). Điều này dẫn đến trường hợp trúng đấu giá nhưng không thể triển khai được dự án khai thác và chấp nhận bỏ cọc.

Nhật Quang – Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/ngan-chan-do-vo-domino-kinh-te-tu-sai-pham-dau-gia-ky-3--i749914/