Ngăn chặn doanh nghiệp 'vắt chanh, bỏ vỏ'
Bộ luật Lao động sửa đổi: Đẩy nhanh mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội
(HNM) - Hệ thống pháp luật đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, câu chuyện sa thải nhân viên trái phép, nhất là đối với lao động giản đơn, lao động nữ ngoài 35 tuổi, ở các ngành, nghề như may mặc, xây dựng, gia công hàng hóa... vẫn diễn ra. Trước thực tế này, nhiều người lao động đề nghị cơ quan chức năng có cơ chế ngăn chặn, giúp họ không ở thế yếu, bị “vắt chanh, bỏ vỏ”.
Công nhân ngành May thuộc nhóm đối tượng dễ bị sa thải. Ảnh: Thái Hiền
Doanh nghiệp chỉ mặn mà với lao động 18-35 tuổi
Theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động chỉ được áp dụng biện pháp sa thải khi nhân viên có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc hay tiết lộ bí mật kinh doanh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Đáng chú ý, trước khi ban hành quyết định kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức họp, chứng minh được lỗi của người lao động và nếu bỏ qua một trong các bước cơ bản đó là trái quy định pháp luật... Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người sử dụng lao động vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà đuổi việc người lao động thì có thể bị phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Như vậy, về mặt chính sách đã khá nghiêm khắc, song thực tế, theo ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội khóa XIV, vẫn xuất hiện nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển và sử dụng lao động tuổi từ 18 đến 35. Khi lao động quá độ tuổi này, doanh nghiệp tìm mọi cách để sa thải, nhất là với lao động nữ.
Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 16 tỉnh, thành phố gần đây cho thấy, việc chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi trên 35 chiếm 5-10% tổng số lao động nghỉ việc trong doanh nghiệp. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do nhận thức và hiểu biết pháp luật về lao động hạn chế nên khi bị doanh nghiệp sa thải, thực hiện không đúng các chính sách về tiền lương, thai sản, bảo hiểm..., người lao động vẫn không biết người sử dụng lao động sai như thế nào, phải đấu tranh đòi quyền lợi ra sao.
Anh Nguyễn Văn Hùng, từng làm nhân viên Hợp tác xã Quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (hiện trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa) cho biết, hiện tượng đơn vị ký hợp đồng vận hành quản lý nhà chung cư chỉ đóng bảo hiểm xã hội tượng trưng cho một số người lao động khá phổ biến ở những nơi anh nộp hồ sơ xin việc. “Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, cơ quan chức năng không nắm được. Còn người lao động khi thắc mắc thì được chủ sử dụng lao động hướng dẫn viết đơn xin nghỉ việc để tránh tiếng thải loại trái phép”, anh Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Đào (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), đang là công nhân dệt may cho biết, cứ đến cuối năm, người lao động sẽ phải làm thêm giờ rất nhiều để kịp giao sản phẩm cho khách. Với nhóm người lao động từ 36 tuổi trở lên, sức khỏe và độ nhanh nhạy đều suy giảm; trong khi đó, sau vài năm làm việc, lương và mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng dần, khiến doanh nghiệp không mặn mà, cắt bớt các khoản hỗ trợ hoặc cố tình thuyên chuyển đến nơi khó khăn. Công việc vất vả nhưng thu nhập không tương xứng dẫn đến nhiều người phải chủ động chấm dứt hợp đồng lao động. “Lúc này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội “vắt chanh, bỏ vỏ”, tuyển lao động mới với mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội khởi điểm thấp. Đây là cách làm được nhiều doanh nghiệp áp dụng triệt để”, chị Nguyễn Thị Đào thông tin thêm.
Sẽ có thêm giải pháp hạn chế sa thải
Bàn về giải pháp hạn chế sa thải lao động trái luật, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung làm tốt về an sinh xã hội, gồm: Thị trường lao động, bảo hiểm xã hội và trợ giúp, trợ cấp xã hội. Nếu làm tốt các vấn đề này thì ít nhiều người lao động vẫn còn "một tấm lá chắn" để có thể bấu víu khi chủ doanh nghiệp tìm mọi cách đẩy họ khỏi dây chuyền sản xuất.
Người lao động cần được tư vấn pháp luật và tự trang bị kiến thức để bảo đảm quyền lợi hợp pháp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đánh giá việc thực hiện Luật Việc làm, chuẩn bị hồ sơ đề xuất sửa đổi, hướng tới giữ người lao động ở lại làm việc thông qua công cụ tiền lương, bảo hiểm. Ngoài ra, phải có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn để không sa thải lao động và hỗ trợ duy trì việc đóng bảo hiểm xã hội cho lao động lớn tuổi, đặc biệt là với các ngành có tính chất đặc thù, thời vụ hoặc dễ bị tác động, mới có thể hài hòa lợi ích cả hai bên.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu các chương trình hỗ trợ dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể, qua đó giúp người lao động hòa nhập vào thị trường lao động và có việc làm bền vững. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước về duy trì việc làm cho người lao động lớn tuổi; rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về tuyển, giao kết hợp đồng lao động, nhất là lao động lớn tuổi và lao động nữ; góp ý, đề xuất vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động.
Song, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng, cơ chế thị trường luôn vận động rất gay gắt, khốc liệt nên doanh nghiệp phải thường xuyên tái cơ cấu sản xuất, tìm các giải pháp để cạnh tranh là điều tất yếu. Vì vậy, cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước, người lao động phải chủ động nâng cao tay nghề cũng như tăng cường ý thức kỷ luật. Căn bản nhất vẫn là làm thế nào để người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì mới có thể giữ được việc làm lâu dài.