Ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Đâu là giải pháp căn cơ?

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, song hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn gia tăng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Thậm chí, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, tạo ra thách thức cho cơ quan chức năng. Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này?

Sản phẩm hàng giả, hàng thật được giới thiệu bên lề hội thảo “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống: Thực trạng và giải pháp” do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức. Ảnh: Thư Hà

Sản phẩm hàng giả, hàng thật được giới thiệu bên lề hội thảo “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống: Thực trạng và giải pháp” do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức. Ảnh: Thư Hà

Gia tăng hàng giả sản xuất quy mô lớn

Tình hình sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây vẫn tiếp tục "nóng". Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 5.464 vụ sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 48% so với năm 2022.

Còn theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2.253 vụ mua bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Cùng thời gian này, lực lượng chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý 648 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; phạt hành chính hơn 11 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm hơn 2,6 tỷ đồng.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng, hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tổ chức chặt chẽ, bí mật, nhiều mắt xích, khép kín từ đối tượng cung ứng đến người tiêu dùng. Đáng chú ý, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, tạo ra thách thức cho cơ quan chức năng. Tại Hà Nội, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến đường từ biên giới về diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển phát nhanh để gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép…

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết, các dòng xe Cub, Wave, Vespa bị làm nhái, vi phạm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu một cách trắng trợn. Sản phẩm phụ tùng giả các thương hiệu Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM tại Việt Nam được đăng bán tràn lan trên thương mại điện tử, với đủ loại mức giá và không xác minh được nguồn gốc.

Ông Phạm Đức Thắng, đại diện thương hiệu Hermes tại Việt Nam khẳng định, hãng không bán hàng trực tuyến và 100% sản phẩm Hermes thu giữ trên các sàn thương mại điện tử là hàng giả. Trung bình, mỗi năm Hermes phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý hơn 300 vụ vi phạm.

Định danh để chặn người bán vi phạm

Bên cạnh những cơ hội, lợi ích, thương mại điện tử đang bị các đối tượng lợi dụng để bán hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trong khi việc xác minh, truy tìm đối tượng và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế quản lý với thương mại điện tử, đặc biệt với mạng xã hội, hiện chưa chặt chẽ. Chế tài xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh. Lực lượng chuyên trách còn mỏng. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc chống hàng giả còn hạn chế.

Bàn về giải pháp ngăn chặn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, hiện phần lớn dân số sống ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi thương mại điện tử chưa phát triển, thiếu hiểu biết về kỹ năng mua sắm và bảo vệ cá nhân trên môi trường số. Do đó cần chuyển hướng, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức với khu vực này.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện thương hiệu Hermes tại Việt Nam cho rằng, việc xử lý hành chính “không thấm vào đâu” so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, do đó cần có biện pháp mạnh hơn với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, pháp luật cần có quy định rõ ràng với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm giữa người bán hàng và người mua hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Phan Minh Nhựt đề xuất, cần thay đổi phương thức quản lý hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử và mạng xã hội thông qua thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra, xử lý đối tượng vi phạm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua thương mại điện tử, nếu có hành vi vi phạm phải bị khóa giao dịch và truy cứu trách nhiệm.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông tin, thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm để bảo đảm việc điều tra, xử lý được kịp thời. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, khuyến khích nhân dân tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong chống hàng giả. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và loại bỏ tâm lý e ngại khi đấu tranh với hàng giả.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng:
Quản lý chặt chẽ, minh bạch

Thời gian tới, việc quản lý các giao dịch điện tử, quản lý thuế, chất lượng hàng hóa trên thương mại điện tử tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Sự phức tạp của hoạt động mua bán, cung cấp dịch vụ, sản phẩm trực tuyến, giao dịch không tiền mặt… yêu cầu cần có những cơ chế quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, xác định có hay không hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; bên cạnh đó giám sát các hoạt động này tại các trang mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế. Mặt khác, Cục kiến nghị bổ sung kinh phí và hậu cần phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, như mua sắm trang thiết bị hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản tang vật, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng; phân công quản lý các cơ sở kinh doanh, địa bàn, lĩnh vực gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bà Đại Khả Quỳnh, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam:
Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan tới các hãng xe máy trên thị trường diễn biến phức tạp. Sản phẩm bị làm giả gồm phụ tùng xe máy, dầu nhớt, mũ bảo hiểm, thậm chí làm nhái kiểu dáng công nghiệp xe máy điện. Năm 2023, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng, sàn thương mại điện tử gỡ bỏ gần 400 gian hàng vi phạm. Trên thị trường truyền thống, Hiệp hội cũng rất tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, song chỉ sau một thời gian ngắn vi phạm lại xuất hiện.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ triệt để hơn, chúng tôi mong các cơ quan chức năng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, gỡ bỏ giới hạn tối đa mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; ra quân giám sát thị trường thường xuyên hơn… Các sàn thương mại điện tử có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các thương nhân. Còn các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cần nhanh chóng cung cấp tài liệu, kết luận về hành vi xâm phạm để hỗ trợ các mạng xã hội giải quyết vụ việc vi phạm.

Bà Vũ Thị Hằng, ngõ 49 phố Đức Giang,quận Long Biên:
Mua hàng chính hãng để tránh hàng giả

Mua hàng trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của tôi và nhiều người, vì vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tôi thường tìm mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, gian hàng chính hãng, các tài khoản uy tín nên phần lớn hàng hóa đều đúng như giới thiệu, quảng cáo. Tôi mong cơ quan chức năng tăng cường vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái cả trên không gian mạng và ngoài thị trường truyền thống để dẹp yên vấn nạn này. Đặc biệt nguy hiểm là thuốc tân dược, các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm hay thực phẩm chế biến ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng cần được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trước tiên và có hình thức xử phạt nặng nếu phát hiện vi phạm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thêm kiến thức, có thể nhận diện rõ hàng giả, hàng thật, từ đó có cách phòng tránh.

Hà Thư ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-chan-hang-gia-hang-vi-pham-so-huu-tri-tue-dau-la-giai-phap-can-co-669402.html