ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Băn khoăn phạm vi điều chỉnh, đề nghị đổi tên Luật Tư pháp người chưa thành niên

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng việc giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ trong lĩnh vực tư pháp hình sự sẽ không khắc phục được các vướng mắc đang xảy ra trên thực tế.

Quốc hội (QH) hôm 21-6 đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đa số các đại biểu (ĐB) QH còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này.

Cụ thể, tại tờ trình, Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Theo đó, dự thảo quy định: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

 ĐBQH Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Phạm vi điều chỉnh ‘hẹp’ so với bản chất, chuẩn mực quốc tế

Nêu góp ý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) cho rằng các biện pháp mang tính chất xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội hiện không chỉ được quy định trong pháp luật về tư pháp hình sự, mà có cả trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo ông Hiển, quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua cho thấy cách quy định như hiện nay tạo ra không ít vướng mắc, nhất là sự cắt khúc trong việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội và rộng hơn là người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

“Việc giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ trong lĩnh vực tư pháp hình sự sẽ không khắc phục được các vướng mắc này” - ông Hiển nói và cho rằng dù báo cáo tiếp thu, giải trình của TAND Tối cao đã đưa ra một số lập luận nhưng “chưa thực sự thuyết phục”.

Phân tích cụ thể, ĐB Đỗ Đức Hiển nói trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại dự thảo, một số biện pháp xử lý chuyển hướng “đang được quy định là biện pháp xử lý hành chính”.

Ông dẫn chứng các biện pháp, như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; hoặc là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như quản lý tại gia đình.

“Như vậy, có thể thấy cùng một biện pháp xử lý áp dụng đối với người chưa thành niên nhưng sẽ thuộc hai hệ thống chế tài khác nhau, trong khi sự phân biệt về trách nhiệm pháp lý là hình sự hay hành chính trong trường hợp này về bản chất không có không có nhiều ý nghĩa” - theo vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Dẫn văn bản của Chính phủ tham gia ý kiến đối với dự án Luật, ông Hiển cho hay Chính phủ đánh giá phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là hẹp hơn so với bản chất và chuẩn mực quốc tế của tư pháp người chưa thành niên.

Từ đó, Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo "cân nhắc theo hướng thu hút các nội dung mang tính chất xử lý chuyển hướng trong lĩnh vực hành chính vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này".

“Tôi tán thành với ý kiến này của Chính phủ”- ĐB Đỗ Đức Hiển nói.

Theo ông, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục sự “cắt khúc” trong quá trình xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đồng thời, giải quyết có hiệu quả sự tản mạn, xung đột trong pháp luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên.

“Đây sẽ là phương án tối ưu và phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 27. Theo đó, mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân” - vẫn lời ông Đỗ Đức Hiển.

Mặt khác, ông cũng đề nghị TAND Tối cao tiếp tục phối hợp với Chính phủ rà soát các quy định của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, từ đó có phương án sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

 ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề nghị đổi tên dự án Luật

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) lại thống nhất với quan điểm của TAND Tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật.

“Tư pháp hành chính hoặc dân sự, người chưa thành niên đều tham gia thông qua cha, mẹ, người giám hộ hoặc qua người đại diện do tòa án cử. Chỉ trong tố tụng hình sự, người chưa thành niên sẽ phải tham gia trực tiếp với tư cách người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng…” - bà Linh nói và cho rằng cần có các quy định dành cho người chưa thành niên trong tố tụng hình sự.

ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên, ông băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi tên gọi của luật để nhất quán với phạm vi điều chỉnh.

Tương tự, ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho biết trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo lựa chọn phương án không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ông đề nghị cân nhắc đổi tên Luật cho phù hợp.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cuối phiên thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐB quan tâm. Đáng chú ý, Chánh án cho hay tên gọi của dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ QH thông qua, trong chương trình xây dựng pháp luật QH đã biểu quyết tên này.

“Tên này phù hợp với Luật Khung của Liên hợp quốc. Tất cả các nước có Luật Tư pháp người chưa thành niên đều lựa chọn tên này và phạm vi này. Còn nếu chúng ta nghĩ ra được tên gì đấy hay hơn Liên Hợp quốc hay các nước thì chúng ta nghiên cứu nhưng tôi thấy tên này phù hợp” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

“Tên gọi của đạo luật này đúng là có vấn đề thật”

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng tên gọi của đạo luật này đúng là "có vấn đề thật”. Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách phân tích xét về ngôn ngữ, từ ‘tư pháp’ có thể được hiểu theo hai cách. Một là các cơ quan tố tụng, hai là tòa án.

“Đã nhiều lần tôi nói tư pháp thực ra là tòa án. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì Luật Tư pháp người chưa thành niên không có nghĩa” - ĐB Lê Thanh Vân nói và nhìn nhận theo mục đích đặt ra về nội dung thì “chưa phủ hết được chủ đề đối với việc vừa xử lý, vừa giáo dục, vừa hỗ trợ cho người chưa thành niên phạm tội”.

ĐB đoàn Cà Mau còn cho rằng câu “Luật Tư pháp người chưa thành niên lại càng sai về ngữ pháp”. “Đúng ra phải là Luật Tư pháp dành cho, hoặc đối với người chưa thành niên thì mới đủ” - ông Lê Thanh Vân nói thêm.

Từ phân tích trên, ĐB Vân đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đặt tên gọi đạo luật này đúng.

“Theo tôi, có thể là Luật Hỗ trợ và giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội, như thế sẽ phản ánh được toàn bộ nội dung của đạo luật cũng như là mục đích đặt ra” - lời ông Lê Thanh Vân.

ĐỨC MINH

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/dbqh-do-duc-hien-ban-khoan-pham-vi-dieu-chinh-de-nghi-doi-ten-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-post796864.html