Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Góp ý Luật Tư pháp người chưa thành niên

Quan tâm góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương– Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đánh giá đầy đủ về nguồn lực của Quỹ Bảo trợ trẻ em, trả toàn bộ hay một phần số tiền phải bồi thường, thời gian trả lại bao lâu, nếu không hoàn trả thì có thể phải khởi kiện vụ án dân sự khác.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 21.6

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 21.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quan tâm góp ý về các nội dung liên quan dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị cần quy định có sự phù hợp và cụ thể hơn nữa để thuận lợi và thống nhất trong quá trình xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định ở Điều 39 dự án Luật. Vì theo đại biểu, dự thảo Luật quy định 3 điều kiện áp dụng người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 của Luật này; các biện pháp xử lý chuyển hướng này nếu so sánh với các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự thì nhẹ hơn rất nhiều, nhưng điều kiện để được áp dụng được quy định trong Dự thảo Luật còn chung chung, chưa có những điều kiện cụ thể để đánh giá, so sánh giữa người chưa thành niên này với người chưa thành niên khác khi cùng phạm tội để xem xét, quyết định. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng tùy nghi.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53), đại biểu Phương thống nhất với phương án 1 quy định 2. Việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tức là có thể được áp dụng ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào để đảm bảo việc áp dụng kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất cho người chưa thành niên.

Đại biểu Phương cũng đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại Điều 72. Vì theo đại biểu, quy định Điều 72 Dự thảo Luật có thể hiểu việc giải quyết khiếu nại chỉ được giải quyết một lần và là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Đại biểu Trần Hữu Hậu và đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự kỳ họp

Việc quy định như trên chưa bảo đảm tính khách quan vì chính cơ quan ra quyết định áp dụng lại ra quyết định giải quyết khiếu nại và đây là quyết định giải quyết cuối cùng, có hiệu lực ngay. Trong trường hợp quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không đúng, bị khiếu nại thì phải có thêm cơ quan khác xem xét lại quyết định này; do đó, nếu quyết định giải quyết khiếu nại do chính cơ quan áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ban hành thì chỉ mang tính hình thức.

Đại biểu Phương cũng đề nghị cần đánh giá đầy đủ về nguồn lực của Quỹ Bảo trợ trẻ em, trả toàn bộ hay một phần số tiền phải bồi thường, thời gian hoàn trả bao lâu, nếu không hoàn trả thì có thể phải khởi kiện vụ án dân sự khác. Mặt khác, trách nhiệm bồi thường là một phần của bản án, người chấp hành án chỉ được xóa án tích khi đã thi hành toàn bộ bản án và trong thời hạn quy định không có vi phạm, nhưng nếu Quỹ Bảo trợ trẻ em ứng trước phần bồi thường này thì tính việc chấp hành bản án như thế nào.

Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dai-bieu-huynh-thanh-phuong-doan-dbqh-tinh-tay-ninh-gop-y-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-a174436.html