Ngăn chặn hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng thuốc

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông qua công tác hậu kiểm đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược vi phạm trong việc bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc. Trong đó, một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường. Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm theo thẩm quyền; các đối tượng vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn. (Ảnh: THU THỦY)

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn. (Ảnh: THU THỦY)

Giống như thực phẩm, mỗi viên thuốc đều có một vòng đời với ngày sản xuất, hết hạn rõ ràng và sự an toàn, hiệu quả cao nhất của thuốc là được sử dụng trong hạn mức. Tuy nhiên, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà những người kinh doanh mặt hàng đặc biệt này sẵn sàng tẩy xóa, sửa đổi lại những loại thuốc đã hết hạn.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Phương Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, hạn dùng thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Có thể hiểu hạn sử dụng của thuốc là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất bảo đảm hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc đó trong điều kiện bảo quản tiêu chuẩn.

Nếu người bệnh sử dụng thuốc hết hạn trong quá trình điều trị thì sẽ không khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn, làm lỡ khoảng “thời gian vàng” để điều trị bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc một số biến chứng, tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, nổi mẩn khắp người, sốc phản vệ và thậm chí tử vong nếu là các thuốc đặc trị. Nguyên nhân là khi thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, công dụng ban đầu mà thường sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể. Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất trong thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản, do hư hỏng dạng bào chế hoặc thuốc bị nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn...

Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin - tetracyclin quá hạn sử dụng sẽ trở nên rất độc, gây hại cho thận. Với bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp, nếu dùng thuốc hết hạn sử dụng thì huyết áp sẽ không được điều chỉnh kịp thời, đúng chu kỳ, từ đó có thể xảy ra tình trạng đột quỵ, tai biến mạch máu não do huyết áp tăng cao bất ngờ. Nguy hiểm hơn nữa là biến chứng vỡ mạch máu não dẫn tới liệt hay hôn mê, thậm chí tử vong...

Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc quá hạn, thuốc không bảo đảm chất lượng, người bệnh không nên xóa, bóc nhãn thuốc, không tự ý chuyển thuốc vào hộp chứa khác. Phải bảo quản thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Cất thuốc lên cao và tránh xa tầm tay của trẻ em. Người dân chỉ nên mua, sử dụng thuốc tại những nhà thuốc, cơ sở y tế đáng tin cậy... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp bán thuốc cho cơ sở không có chức năng kinh doanh dược; kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng.

ĐỨC HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngan-chan-hanh-vi-tay-xoa-thay-doi-han-su-dung-thuoc-post718480.html