Ngăn chặn hiểm họa ma túy trong công nhân lao động
Tệ nạn ma túy đã và đang hủy hoại cuộc sống, tương lai của nhiều người trẻ, thuộc mọi thành phần xã hội, trong đó có công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN). Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của loại tội phạm này, thời gian qua, công đoàn các cấp đã có những biện pháp cụ thể, kịp thời hơn nhằm ngăn chặn bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Ði làm trong lo ngại
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam và Bộ Công an cho thấy, hàng trăm vụ buôn bán và sử dụng ma túy đã được phát hiện trong CNLÐ tại các KCX, KCN. Ðã có những trường hợp chết do sốc ma túy. Thực tế cho thấy, trong số hàng triệu lao động đang làm việc tại các KCX, KCN, phần lớn trong độ tuổi từ 18 đến 35. Họ sống xa gia đình, tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không an toàn, nhưng lại dễ tiếp xúc với những tệ nạn xã hội do trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, dẫn đến một bộ phận CNLÐ vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội. Công nhân trẻ bị bạn bè, các đối tượng mua bán ma túy lôi kéo khi tham gia các buổi liên hoan, sinh nhật, hát ka-ra-ô-kê. Một cuộc sống xa gia đình, bấp bênh về việc làm, thu nhập. Do phải tăng ca, thêm giờ, không có điều kiện tìm hiểu bạn đời, ít có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khiến tâm lý người CNLÐ thường bị tù túng, dẫn đến buồn, chán… Tất cả những lý do đó khiến họ dễ vướng vào cạm bẫy của ma túy.
Công nhân Ðặng Ðình Mão, Công ty MNS Feed Thái Nguyên, cho biết: Công ty đóng trên địa bàn vắng vẻ, xa nhà dân, là điểm nóng về tệ nạn ma túy, mại dâm. Khi đi làm ca về, chúng tôi thường chứng kiến cảnh người nghiện tiêm chích ma túy sát hàng rào KCN. Mỗi lúc mưa ngập, chúng tôi phải lội bì bõm trong làn nước dềnh lên từ cống, rãnh với kim tiêm do người chích thuốc vứt lại, chúng tôi rất lo lắng. Trước đây, công ty cũng có vài trường hợp công nhân được tuyển vào làm có sử dụng ma túy. Tuy nhiên, sau khi khám sức khỏe, phân loại, họ đã không được làm ở đây do đòi hỏi nghiêm ngặt trong quy trình chế biến thức ăn chăn nuôi.
Nhận thức đầy đủ tác hại và những nguy cơ do ma túy gây ra, Tổng LÐLÐ Việt Nam coi công tác phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức, lao động là một nhiệm vụ quan trọng. Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Ðến nay, Tổng LÐLÐ Việt Nam thành lập 51 công đoàn KCN, KCX, khu kinh tế, với khoảng 2,3 triệu đoàn viên công đoàn, chiếm 22,5% tổng số đoàn viên công đoàn cả nước. Thời gian qua, các cấp công đoàn luôn được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mặt của lực lượng công an, đã có những kết quả tích cực trong phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong CNLÐ. Tháng 9-2017, Tổng LÐLÐ Việt Nam và Bộ Công an ký Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự. Hai năm qua, công đoàn các cấp cùng với ngành công an đã tổ chức gần 16 nghìn cuộc tuyên truyền cho hàng triệu lượt đoàn viên công đoàn và CNLÐ nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, không sa vào ma túy và các tệ nạn xã hội.
Tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy
Năm 2019, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức, lao động được Tổng LÐLÐ Việt Nam xác định với chủ đề "Công nhân lao động tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy". Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Tuyên giáo Tổng LÐLÐ Việt Nam Lê Cao Thắng cho biết, các cấp công đoàn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống ma túy tới bộ phận CNLÐ làm việc tại ngành nghề đặc thù như điện lực, giao thông, xây dựng, CNLÐ tại các KCN và những địa phương có tụ điểm ma túy. Từ đó, nâng cao nhận thức của người lao động (NLÐ), xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn.
Tháng 9-2019, Tổng LÐLÐ tổ chức buổi tập huấn nâng cao vai trò CNLÐ trong phòng, chống tội phạm, giữ ổn định tình hình an ninh trật tự tại Công ty một thành viên Ðiện lực Hải Phòng. Công ty hiện có hơn hai nghìn CNLÐ. Trong đó, có một số CNLÐ nghiện ma túy, hiện đang được công ty, công đoàn giúp đỡ, tạo điều kiện điều trị thay thế bằng methadone.
Lớp tập huấn phòng, chống tội phạm ma túy tại Công ty TNHH Giày Amara Việt Nam (huyện Trực Ninh, Nam Ðịnh) thu hút được hai trăm người là cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên, NLÐ tiêu biểu, đại diện cho chín nghìn CNLÐ công ty tham dự. Buổi tập huấn có cả sự tham dự của lãnh đạo chính quyền huyện, các cơ quan chức năng. Học viên được Ðại tá Tạ Ðức Ninh, nguyên Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma túy (Bộ Công an) thông tin về tình hình tội phạm ma túy, cách nhận diện các loại ma túy thường gặp, các loại ma túy phổ biến; cung cấp tới NLÐ cách phòng, tránh, nhận biết tội phạm ma túy, hiểu rõ tác hại, hậu quả của việc sử dụng, sản xuất, buôn bán ma túy... Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Nam Ðịnh Ngô Chí Thục cho biết: Ðại diện NLÐ được trang bị kiến thức, khi trở về DN và gia đình, cộng đồng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực. Chúng tôi mong muốn Tổng LÐLÐ Việt Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo công đoàn các cấp đẩy mạnh hoạt động này. Với LÐLÐ tỉnh, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và lãnh đạo các DN, tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, DN, đơn vị, không để đoàn viên, NLÐ có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy.
Trong hai tiếng đồng hồ tập huấn, có một người lặng lẽ ngồi trong khán phòng, đó chính là ông Chang Chien Kuo, Tổng Giám đốc công ty. Ông Chang đã hủy chuyến bay về quê hương Ðài Loan (Trung Quốc) khi biết tin DN của mình được chọn tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong CNLÐ. Kết thúc buổi tập huấn, ông Chang bày tỏ: Với đặc thù gia công giày dép, sử dụng nhiều lao động, hầu hết là lao động phổ thông, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, vì vậy công đoàn công ty đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định thông qua đối thoại thường xuyên với lãnh đạo công ty, xây dựng thỏa ước lao động có lợi hơn cho NLÐ nhằm bảo đảm điều kiện làm việc và các chế độ chính sách cho NLÐ.