Ngăn chặn hiểm họa tương tự vụ sập cầu Phong Châu

Sau vụ cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng ở tỉnh Phú Thọ bị sập do ảnh hưởng bởi bão số 3 vào ngày 9-9-2024, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các khu quản lý đường bộ và các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát an toàn các cầu để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra như vụ sập cầu Phong Châu.

Kiểm tra tình trạng 1 cây cầu ở tỉnh Khánh Hòa.

Kiểm tra tình trạng 1 cây cầu ở tỉnh Khánh Hòa.

Tại khu vực Miền Trung, theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III, hiện khu vực do Khu quản lý có tổng cộng 945 cầu. Trong đó, Khu Quản lý đường bộ III trực tiếp quản lý 576 cầu; bàn giao 22 cầu cho các Ban Quản lý dự án để đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng và các nhà đầu tư theo hình thức BOT; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý bảo trì 347 cầu. Thực hiện chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 12 đến 16-9-2024, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) đã thành lập 2 Đoàn công tác kiểm tra cầu và công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn do Khu quản lý. Cụ thể, Đoàn công tác số 1 do Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III Nguyễn Phương Nam làm Trưởng đoàn, kiểm tra cầu và công tác chuẩn bị phòng chồng thiên tai trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; Đoàn công tác số 2 do Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III Lê Phan Duy làm Trưởng đoàn, kiểm tra cầu và công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Các Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tình trạng cầu gồm có: kiểm tra tình trạng khai thác các cầu có dấu hiệu hư hỏng; kiểm tra các cầu có nguy cơ suy giảm khả năng chịu lực của móng cọc, trụ cầu như: cầu vượt sông có tình trạng khai thác cát ở lòng sông, có tình trạng thay đổi dòng chảy, lòng sông có xói lở, lòng sông có cây trôi lớn, các cầu có mực nước cao đến cách đáy dầm hơn 0,5m hoặc cầu có dấu hiệu tác động khác có nguy cơ mất an toàn cầu, v.v...; đồng thời kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị, hệ thống an toàn giao thông, trang bị tại các Hạt Quản lý đường bộ, các vị trí xung yếu nhằm phục vụ công tác đảm bảo giao thông khi mùa mưa lũ sắp đến gần... Ngoài ra, đối với các cầu có trụ móng cọc ma sát khu vực lòng sông có khai thác cát, thay đổi dòng chảy thì phải thực hiện việc đánh dấu thể hiện kết quả đo cao độ lòng sông tại mố, trụ để phục vụ theo dõi suốt quá trình quản lý. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác rà soát kiểm tra tình trạng cầu trên các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý, Khu Quản lý đường bộ III yêu cầu các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, doanh nghiệp dự án theo hình thức BOT tăng cường phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 3 (trực thuộc Khu Quản lý đường bộ III) để được hỗ trợ tăng cường nhân lực chuyên môn, kinh nghiệm.

Kiểm tra tình trạng 1 cây cầu ở tỉnh Đắk Nông.

Kiểm tra tình trạng 1 cây cầu ở tỉnh Đắk Nông.

Kiểm tra tình hình chuẩn bị biển báo ATGT ở một hạt quản lý đường bộ tại Quảng Nam.

Kiểm tra tình hình chuẩn bị biển báo ATGT ở một hạt quản lý đường bộ tại Quảng Nam.

Kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá xác suất một số cầu cho thấy tại một số cầu đã xuất hiện dấu hiệu đặc trưng cần quan tâm nhưng vẫn còn chậm trong việc đề xuất, áp dụng các giải pháp xử lý ban đầu. Đơn cử một số cầu như: cầu Bà Bường nằm trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa có thân trụ xuất hiện nhiều vết nứt, bê-tông thân trụ bị bong rộp, bong vỡ bê tông. Trong khi đó, tại Phú Yên, cầu Bình Phú nằm trên Quốc lộ 1D có các cầu dầm bị vỡ bê-tông, lộ neo cáp dự ứng lực. Ngoài ra, các cầu gồm: cầu Đà Rằng (Phú Yên), cầu Diêu Trì, cầu Bồng Sơn (Bình Định), cầu Bàn Thạch (Quảng Nam) cũng đã phát hiện gối cầu bị rách, biến dạng, phình u, xẹp, chuyển vị, v.v... Trên cơ sở đó, để đảm bảo an toàn các cầu này, Khu Quản lý đường bộ III đã yêu cầu các đơn vị, nhà thầu, doanh nghiệp có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, cập nhật tình trạng khai thác công trình cầu đường bộ. Đặc biệt, các đầu dầm bê- tông cốt thép dự ứng lực có vết ố thì phải báo cáo ngay về Khu và áp dụng ngay giải pháp chống ngấm nước, tác động môi trường đầu dầm… Sau khi thực hiện các giải pháp xử lý ban đầu nếu vẫn nhận thấy các dấu hiệu tiếp theo hoặc các cấu kiện bê-tông tiếp tục bị ảnh hưởng bong rộp, phát triển vết nứt cần phải báo cáo về Khu và đề xuất kế hoạch ngay để sửa chữa. Đối với các cầu có kết cấu nhịp liên tục nhiệt/cầu có nhịp lớn hơn 30m cần kiểm tra gối cầu thường xuyên hàng năm, có ghi chép, lưu trữ bằng hình ảnh, video; khi phát hiện gối bị phình, rách, cao su bị lão hóa, có hiện tượng chuyển vị cần đề xuất đưa vào kế hoạch ngay để sửa chữa, v,v… Đối với các nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và cầu trên đường bộ, doanh nghiệp dự án theo hình thức BOT phải nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra trước và sau mùa mưa bão theo đúng quy định của hợp đồng, đảm bảo tiêu chí và các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Khu Quản lý đường bộ III…

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ngan-chan-hiem-hoa-tuong-tu-vu-sap-cau-phong-chau-post301432.html