Ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép cổ vật qua biên giới

Cán bộ Bảo tàng tỉnh phân loại các cổ vật sau khi được tiếp nhận bàn giao

Cán bộ Bảo tàng tỉnh phân loại các cổ vật sau khi được tiếp nhận bàn giao

Lạng Sơn là một tỉnh biên giới tiếp giáp và thường xuyên có các hoạt động giao thương với Trung Quốc. Với vị trí như vậy, Lạng Sơn rất dễ trở thành nơi trung chuyển, vận chuyển cổ vật ra nước ngoài. Để ngăn chặn việc này, những năm qua, chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp tích cực.

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện một số vụ việc các đối tượng lợi dụng khu vực biên giới để vận chuyển các hiện vật, cổ vật ra nước ngoài. Cụ thể, tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép một lô hàng hóa, nghi là cổ vật. Đơn vị đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xác định chủng loại tang vật vi phạm hành chính. Kết quả, 291 hiện vật được trưng cầu giám định hầu hết là các hiện vật văn hóa truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc, có niên đại cách ngày nay từ vài chục đến hàng ngàn năm. Trong đó, có những hiện vật là công cụ lao động sản xuất,vũ khí chiến đấu của cư dân Văn hóa Đông Sơn ở nước ta từ khoảng 2.000 năm trước.

Số tang vật đã được giám định và được bàn giao cho Bảo Tàng tỉnh theo Quyết định thi hành án số 97/QĐ-CTHADS ngày 22/12/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Gồm 291 hiện vật, trong đó có 264 cổ vật (gồm 188 cổ vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 2 trước công nguyên; 7 cổ vật thuộc thời kỳ hậu Đông Sơn, thế kỷ 1-2 sau công nguyên; 2 cổ vật thời Lê Sơ; 4 cổ vật thời Lê Trung Hưng; 63 cổ vật thời Nguyễn; 9 cổ vật của nước Trung Quốc, gồm các cổ vật thuộc thế kỷ 1-3 sau công nguyên và cổ vật thuộc thế kỷ 16).

Kế đến cuối tháng 4/2023, tại xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, Công an huyện đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép cổ vật. Theo kết quả giám định, đây là các đồng tiền xu cổ của Việt Nam và Trung Quốc chế tác từ nhiều thời kỳ khác nhau. Trong đó, ngoài tiền Trung Quốc đời Đường, Bắc Tống và đời Minh, còn có tiền Việt Nam thời Lê Sơ – thế kỷ 15. Các mẫu tiền cổ này đều là di vật lịch sử văn hóa, có giá trị trong việc nghiên cứu kỹ thuật đúc tiền, đặc điểm tiền tệ của Việt Nam và Trung Quốc thời phong kiến; đồng thời phản ánh hoạt động kinh tế, thương mại qua các thời kỳ lịch sử.

Thượng tá Hứa Thái Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, đơn vị đã tăng cường triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hoạt động mua bán trái phép cổ vật. Các đối tượng bị bắt giữ là người ngoài tỉnh, họ thu gom đồ cổ tại nhiều địa bàn trên cả nước, sau đó đóng thành từng thùng ngụy trang là thùng hàng hóa thông thường, vận chuyển từ các tỉnh nội địa lên Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để đấu tranh với các hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và hành vi buôn bán cổ vật qua biên giới nói riêng.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn kiểm tra niêm phong các cổ vật – là tang vật vi phạm hành chính bàn giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý theo quy định

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn kiểm tra niêm phong các cổ vật – là tang vật vi phạm hành chính bàn giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý theo quy định

Được biết, hiện nay, sau khi các vụ án được đưa ra khởi tố, các cổ vật – là tang vật vi phạm hành chính trong các vụ việc trên đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh bàn giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý theo quy định. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Trong quá trình giám định, chúng tôi thực hiện đánh giá toàn diện đặc điểm của hiện vật, bao gồm chất liệu, kiểu dáng, kích thước, hoa văn trang trí,… kết hợp đối sánh tư liệu, thì thấy rằng các di vật lịch sử văn hóa, đã từng tồn tại trong lịch sử phát triển của đất nước. Các hiện vật này rất có giá trị trong việc nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng… của nhân dân các thời kỳ đã qua. Vì thế, sau khi tiếp nhận các hiện vật được bàn giao, Bảo tàng tỉnh sẽ tiến hành nhập kho, bảo quản, đăng ký lập hồ sơ khoa học cho các cổ vật để lưu giữ, bảo quản phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền giới thiệu tới công chúng.

Từ nhiều năm nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép cổ vật vẫn diễn ra trong cả nước. Với đặc thù là tỉnh biên giới, Lạng Sơn trở thành điểm trung chuyển để các đối tượng tuồn cổ vật ra nước ngoài tiêu thụ. Do vậy, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các địa bàn biên giới tiếp tục được các lực lượng chức năng siết chặt. Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng,Trạm trưởng Trạm Biên Phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Chúng tôi cắt cử lực lượng tuần tra kiểm soát dọc tuyến biên giới do đơn vị phụ trách, đặc biệt là các đường mòn, đường tắt. Tại cửa khẩu thì bố trí lực lượng duy trì kiểm tra kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa xuất, nhập khẩu qua lại cửa khẩu. Phối hợp Đồn Biên phòng Bảo Lâm, Tân Thanh thường xuyên trao đổi thông tin, để có thể ngăn chặn kịp thời các vụ việc buôn bán vận chuyển cổ vật qua biên giới.

Cổ vật là tài sản văn hóa quý báu của quốc gia. Các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép cổ vật thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn này. Do vậy, cần có sự phối hợp hành động quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ hơn giữa ngành văn hóa với các cơ quan, lực lượng chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn “chảy máu” cổ vật, để bảo vệ cổ vật, gìn giữ các di sản văn hóa của nước ta trong hàng ngàn năm lịch sử.

TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/637853-ngan-chan-hoat-dong-buon-ban-trai-phep-co-vat-qua-bien-gioi.html