Ngăn chặn làn sóng xe cá nhân

Gần 10 triệu phương tiện đang tạo nên áp lực khủng khiếp cho giao thông Hà Nội hằng ngày, khiến TP tốn kém hàng tỷ đô la mỗi năm, gây rất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Muốn giảm ùn tắc giao thông (UTGT), một trong những giải pháp căn cơ nhất hiện nay là phải quyết tâm giảm số lượng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Vấn đề cốt lõi

Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện giao thông, ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, TP khác lưu thông trên địa bàn TP. Trung bình mỗi năm hạ tầng giao thông tăng thêm 0,3%, nhưng lượng phương tiện lại tăng thêm từ 4 - 5%, gấp 11 - 17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng của hạ tầng.

Diện tích đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt khoảng 12,15% (theo quy hoạch là 20 - 26%); mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường đã vượt 6 - 8 lần thiết kế. TP có 36 điểm UTGT thường xuyên trong giờ cao điểm, hơn 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Ước tính, thiệt hại kinh tế do UTGT tại Hà Nội từ 1 - 1,2 tỷ USD mỗi năm; người dân mất trung bình từ 30 - 60 phút/ngày do kẹt xe.

Hơn nữa, lượng phương tiện cá nhân quá cao còn kéo theo hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Thực tế thời gian qua mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn ở ngưỡng cao đến rất cao, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là lượng phương tiện cơ giới lưu thông hàng ngày quá lớn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo nhận định: “Phương tiện cá nhân tăng rất nhanh làm quá tải kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu, đặc biệt là xe ô tô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông gây UTGT cho Hà Nội”. Với tốc độ tăng như vậy, áp lực giao thông đổ dồn lên hệ thống hạ tầng có thể nói là từng ngày, từng giờ. Trong khi đó, để xây dựng, mở rộng đường sá lại cần nhiều tháng, nhiều năm.

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP hiện có khoảng 7,5 triệu dân, trung bình mỗi người dân Hà Nội, kể cả trẻ em, người già, đang sở hữu hơn một chiếc xe. Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nhận định: “Càng sở hữu nhiều xe cá nhân, nhất là xe máy, người dân càng sử dụng nhiều. Tâm lý chung là có xe riêng thì không cần đi xe buýt, tàu điện, đi bộ. Đoạn đường ngắn thì đi xe máy, xa thì dùng ô tô, dẫn đến đường phố lúc nào cũng chật cứng phương tiện, UTGT là chuyện tất yếu, không tránh khỏi”.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu UTGT là cần thiết và phải bền bỉ cũng như thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa. Tuy nhiên, trước mắt TP Hà Nội cần xem xét các biện pháp ưu tiên, để điều tiết giao thông cho phù hợp với năng lực hạ tầng vốn có. Chỉ khi hạn chế xe cá nhân lưu thông, trả các tuyến đường về đúng năng lực thiết kế mới có thể tháo gỡ UTGT. Trong bối cảnh hiện nay, xe ô tô giá rẻ, các ưu đãi về thuế phí chước bạ, có thể giúp kích thích tăng trưởng ngành ô tô trong một giai đoạn nhưng hệ lụy về giao thông để lại thì lâu dài và vô cùng nặng nề.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh

Bên cạnh đó, đông đảo người dân vẫn giữ thói quen sử dụng xe cá nhân để đi lại hàng ngày do hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển. Số lượng tuyến ít, tính kết nối và tích hợp giữa các loại hình: xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng… còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho người dân trong việc chuyển đổi phương tiện và tiếp cận mọi điểm đến. Chất lượng dịch vụ và tần suất hoạt động của một số tuyến xe buýt chưa cao, thời gian chờ đợi lâu khiến người dân vẫn ưu tiên lựa chọn xe cá nhân.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh nói: “Với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, sự quá tải đến ngặt nghèo mật độ giao thông như thế này, không một hệ thống hạ tầng nào đuổi theo kịp để đáp ứng. UTGT của Hà Nội sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn bất khả kháng”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi của Hà Nội là số lượng phương tiện cá nhân quá lớn, tốc độ gia tăng vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng. Muốn giảm UTGT cần tập trung vào nhiệm vụ lớn nhất là hạn chế sự gia tăng và mức độ sử dụng phương tiện cá nhân.

Song hành hai nhóm giải pháp

Để hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội cần song hành cả hai nhóm giải pháp lâu dài và trước mắt. Một mặt phát triển VTHKCC để thay thế vai trò của xe cá nhân, một mặt siết chặt điều kiện sử dụng, để người dân dần dần thay đổi thói quen đã ăn sâu bén rễ nhiều năm qua.

Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội Nguyễn Cao Minh chia sẻ: “Các đô thị được xây dựng theo mô hình TOD - lấy VTHKCC nhanh, khối lượng lớn làm trung tâm, với quy hoạch đầu mối trung chuyển đa chức năng sẽ giúp giảm thiểu nhu cầu sử dụng xe cá nhân của người dân TP”.

Ông Nguyễn Cao Minh phân tích, đô thị TOD là khu vực tập trung điều kiện tốt nhất cho VTHKCC và đi bộ, hạ tầng không hướng đến phục vụ xe cá nhân. Trong đó VTHKCC với ĐSĐT là xương sống sẽ đáp ứng mọi nhu cầu từ đi làm, mua sắm, vui chơi, học tập, khám chữa bệnh cho người dân. Người dân sẽ tìm thấy mọi dịch vụ, điểm đến cần thiết trên lộ trình và xung quanh các nhà ga ĐSĐT, như vậy sẽ không cần phải sử dụng xe riêng để chuyển tiếp thêm như hiện nay.

Hạn chế xe cá nhân cũng là một giải pháp để định hướng người dân sử dụng phương tiện VTHKCC thay thế. Ngược lại, TP nên nhanh chóng mở rộng không gian ưu tiên cho xe buýt hoạt động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, đồng thời tạo động lực để người dân hạn chế sử dụng xe riêng. Từ thực tế hoạt động của ĐSĐT cho thấy, khi có làn đường riêng, giảm thời gian di chuyển, bảo đảm mong muốn về giờ giấc đi lại, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang loại hình VTHKCC. Vừa tăng cường năng lực cho VTHKCC, vừa có biện pháp kìm hãm sự gia tăng xe cá nhân sẽ giúp Hà Nội cân đối năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới xe buýt, bảo đảm có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Trong đó ưu tiên quan trọng nhất là tạo không gian, làn đường riêng cho xe buýt để bảo đảm rút ngắn thời gian hành trình, phục vụ đắc lực hơn cho hành khách đi lại.

Song song với việc đầu tư, phát triển mạng lưới VTHKCC, các chuyên gia cũng cho rằng Hà Nội cần ngay lập tức có những biện pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là trong khu vực nội đô, nơi mật độ giao thông rất lớn, hạ tầng đã quá tải từ lâu.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hành chính cũng như kinh tế để hạn chế mức độ sử dụng xe cá nhân, cho kết quả tích cực. Ví dụ như: thu phí ùn tắc; hạn chế lượt ra vào của xe cá nhân đăng ký ngoại tỉnh; tăng giá trông giữ xe lên rất cao trong khu vực nội đô…

“Tất cả những giải pháp này Hà Nội đã nghiên cứu từ lâu nhưng chưa thực hiện được. TP cần lên kế hoạch thí điểm và dần dần mở rộng vùng hạn chế xe cá nhân để từng bước giảm thiểu lượt lưu thông của nhóm phương tiện này. Một phần không nhỏ người dân hiện vẫn sử dụng xe cá nhân cả vào những mục đích không thực sự cần thiết, góp phần làm gia tăng áp lực UTGT cho TP” - ông Trần Tuấn Anh nói.

Có thể thấy Hà Nội đang đứng trước thách thức rất lớn phải giải quyết hai vấn đề phức tạp nhất hiện nay: UTGT và ô nhiễm môi trường. Một trong những giải pháp cấp bách và đem lại hiệu quả cao tức thì là hạn chế phương tiện cá nhân. TP đang nỗ lực đầu tư, phát triển hệ thống VTHKCC hiện đại, năng lực cao, nhưng sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành.

Trước mắt vẫn cần phải có động thái rõ ràng, cụ thể nhằm hạn chế xe cá nhân, nhất là với khu vực nội đô TP. Đặc biệt, các chính sách về thuế, phí có thể ngay lập tức phát huy hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân.

Gia tăng các loại phí sử dụng đối với phương tiện cá nhân là giải pháp quan trọng, có thể đem lại hiệu quả cao đối với sự lựa chọn của người dân. Giả sử giá trông giữ xe cao gấp 5 - 10 lần hiện nay, lại phải nộp phí ùn tắc, phí môi trường khi ra vào nội đô… chắc chắn sẽ có không ít người chuyển sang đi xe buýt, tàu điện. Bên cạnh đó TP cần xây dựng các phong trào vận động toàn dân tích cực đi bộ, đi xe buýt, tàu điện để giảm UTGT, ô nhiễm môi trường. Phong trào nên được khởi đầu từ khối cơ quan, ban ngành Nhà nước, DN rồi đến các tổ dân phố, khu dân cư…

Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh

Minh Tường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-chan-lan-song-xe-ca-nhan.676838.html