Ngăn chặn nạn ném đá lên tàu hỏa

Theo Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình, từ đầu năm 2024 đến nay trên phạm vi quản lý đã xảy ra 10 vụ ném đất, đá lên tàu hỏa đang chạy. Hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Hành vi nguy hiểm

Thời gian gần đây, tình trạng ném đất, đá lên các đoàn tàu diễn biến rất phức tạp. Tính riêng trong tháng 4/2024, toàn ngành Đường sắt đã xảy ra gần 20 vụ ném đá, làm vỡ hơn 20 tấm kính cửa toa xe. Trên phạm vi Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình quản lý (từ TP.Đà Nẵng đến tỉnh Bình Định), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 10 vụ ném đất, đá, làm vỡ 11 tấm kính cửa toa xe.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ ném đất, đá, chất bẩn lên tàu khách Bắc - Nam. Cụ thể, vào cuối 1/2024, đoàn tàu SE4 chạy hướng TP.Hồ Chí Minh - TP.Hà Nội, khi đến địa phận xã Đức Tân (Mộ Đức) bị ném đá vỡ kính cửa sổ một toa xe.

Tiếp đó, vào tháng 2/2024, đoàn tàu mang số hiệu 7403 chạy hướng TP.Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, khi đến địa phận xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng bị ném đá vỡ kính cửa sổ toa xe. Tương tự, vào tháng 2/2024, đoàn tàu SE8 chạy hướng TP.Hồ Chí Minh - TP.Hà Nội, khi di chuyển qua địa bàn thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) bị ném đá vỡ kính cửa sổ toa xe.

Ném đất, đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Ném đất, đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ ném đá đều xảy ra ban đêm, ở khu vực vắng. Mặc dù các vụ ném đất, đá chưa gây thương vong về người nhưng rất nguy hiểm đến tính mạng hành khách đi tàu và các nhân viên đường sắt làm việc trên tàu, gây thiệt hại tài sản của ngành Đường sắt.

Trước thực trạng trên, ngành Đường sắt nói chung và Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình nói riêng đã phối hợp với lực lượng công an các địa phương theo dõi, điều tra xác minh, xử lý, răn đe các đối tượng có hành vi ném đất, đá lên tàu.

Đồng thời, ngành Đường sắt cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, học sinh các trường học dọc hai bên tuyến đường sắt về pháp luật an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động của ngành Đường sắt.

Cần xử lý nghiêm

Để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, an toàn tính mạng hành khách đi tàu và ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình đã có văn bản đề nghị Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các Ban ATGT cấp huyện/xã có đường sắt đi qua phối hợp tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn hành vi ném đất, đá lên tàu.

Chỉ đạo các địa phương thông báo số điện thoại đường dây nóng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (0369.118.118) đến các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học... trên địa bàn và toàn thể người dân sinh sống trong khu vực tuyến đường sắt đi qua biết để phản ánh các thông tin về công tác đảm bảo ATGT đường sắt, thông tin sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, các yếu tố có nguy cơ uy hiếp an toàn chạy tàu, hành vi ném đất, đá lên tàu..., để ngành Đường sắt kịp thời giải quyết, khắc phục, ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả sự cố, tai nạn đường sắt gây ra.

Hành vi ném đất, đá lên tàu hỏa cần phải xử lý nghiêm.

Hành vi ném đất, đá lên tàu hỏa cần phải xử lý nghiêm.

Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình cũng đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với ngành Đường sắt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, công tác đảm bảo ATGT tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt.

Bên cạnh đó, đề nghị Sở GĐ&ĐT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các phòng GD&ĐT các huyện có đường sắt đi qua thông báo đến các cơ sở giáo dục nắm rõ tình hình hành vi ném đất, đá lên tàu; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, công tác đảm bảo ATGT đường sắt, các hành vi nghiêm cấm các em học sinh, nhất là hành vi ném đất, đá lên tàu.

Ném đất, đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất hành vi và mức độ thiệt hại.

Để chấm dứt hành vi nguy hiểm này, cùng với sự nỗ lực của ngành Đường sắt, ngành chức năng, chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn đường sắt, nhằm nâng cao nhận thức cũng như ý thức chấp hành; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng cố tình vi phạm.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng. Đồng thời người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu làm người khác bị thương buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì ngoài hình thức phạt nêu trên còn bị áp dụng hình phạt trục xuất.

Đặc biệt hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình thức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

LINH ĐAN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202407/ngan-chan-nan-nem-da-len-tau-hoa-1a23219/