Ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn

Từ lâu nay, hành vi bấm còi xe ôtô, nhất là đối với các loại xe tải lớn chẳng những không đúng lúc, đúng chỗ mà âm thanh cũng vượt quá giới hạn... đã, đang là vấn đề gây bức xúc và làm phiền lòng nhiều người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chế tài xử lý hành vi này nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên việc xử lý thiếu đồng bộ, không hiệu quả. Hơn nữa, mức xử phạt đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước đã đưa ra đề xuất, khi tham gia giao thông, người điều khiển ôtô không được bấm còi vô tội vạ. Ngay sau khi công bố, quy định mới trong dự thảo luật này đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận và cộng đồng mạng xã hội. Điều 20 của dự thảo luật này quy định, chỉ được sử dụng còi trong 2 trường hợp: Báo hiệu cho người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông; báo hiệu chuẩn bị vượt xe và người điều khiển phương tiện không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau ở khu đông dân cư và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu,...

Dự thảo đã thêm trường hợp được phép cấm còi và bổ sung thêm khu vực không được sử dụng còi là khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu. Hiện nay, việc bấm còi vô tội vạ khi tham gia giao thông là hành vi bị nghiêm cấm và xử phạt hành chính. Cụ thể, đối với người điều khiển xe máy, nếu bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi sẽ bị phạt từ 100-200 ngàn đồng... Đối với người điều khiển xe ôtô, bị phạt từ 300-400 ngàn đồng nếu bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau; bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi trừ các xe ưu tiên theo quy định. Phạt tiền từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong khu đô thị, khu đông dân cư.

Nếu quy định nêu trên được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì khi tham gia giao thông, việc sử dụng còi phải thực hiện theo quy định của pháp luật mà không phải bấm còi vô tội vạ hoặc bấm còi inh ỏi, gây mất trật tự, an toàn giao thông, an ninh xã hội. Tuy nhiên, hiện không khó để bắt gặp nhiều người đi ôtô, xe máy sẵn sàng sử dụng còi xe một cách vô tội vạ ngay trong thành phố, không chỉ ban ngày mà cả vào ban đêm gây mất trật tự, khiến những người xung quanh khó chịu. Trong khi đó, pháp luật quy định cụ thể về các mức xử phạt đối với hành vi việc bấm còi xe không “đúng nơi đúng chỗ” đã có từ lâu. Thế nhưng, trên thực tế thì người vi phạm lại rất ít khi bị dừng xe xử phạt về lỗi này. Vì vậy, để cuộc sống ổn định và bình yên, rất cần ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng lái xe sử dụng còi hơi không đúng quy định… Trước hết, lực lượng cảnh sát giao thông các cấp đẩy mạnh tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm những hành vi điều khiển phương tiện trên đường nhưng bấm còi vô tội vạ, gây và bức xúc cho người dân, nhất là vào ban đêm và khu vực cấm bấm còi.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157828/ngan-chan-o-nhiem-tieng-on