Ngăn chặn sản xuất, kinh doanh pháo trái phép

Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, 'vấn nạn' mua bán, tàng trữ pháo diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tình trạng thanh, thiếu niên sản xuất, chế tạo pháo nổ gia tăng luôn ở mức báo động…

Phát hiện nhiều vi phạm

Thời gian qua, lực lượng Công an trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ, tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều vụ việc tự chế pháo nổ liên quan đến lứa tuổi học sinh.

Thực hiện Kế hoạch của Công an thành phố Hà Nội về triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2025, Công an các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã triển khai lực lượng tổ chức công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình địa bàn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, qua đó đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Các đối tượng vi phạm pháp luật và tang vật bị bắt giữ. (Ảnh CA cung cấp)

Các đối tượng vi phạm pháp luật và tang vật bị bắt giữ. (Ảnh CA cung cấp)

Điển hình, khoảng 17h50 ngày 22/12, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế - ma túy Công an huyện Phú Xuyên đã phát hiện bắt quả tang tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, có 3 thanh niên khai danh tính là T.D.A (sinh năm 2008; trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín); T.H.L (sinh năm 2008; trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín); và D.Q.H (sinh năm 2009; trú tại xã Vân Từ) đang có hành vi sản xuất pháo nổ ngay tại đây. Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ các nguyên liệu, dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo và 800 quả pháo đã thành phẩm. Cầm đầu nhóm "chế tạo" pháo là Trần Phú Mười (sinh năm 2005; trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội). Tại cơ quan điều tra, Mười khai nhận khoảng cuối tháng 11/2024, anh ta lên mạng Internet để… tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ. Sau khi đã "học" được cách sản xuất, Mười truy cập mạng xã hội đặt mua nguyên liệu để chế pháo nổ với mục đích sản xuất ra để bán kiếm lời trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phú Xuyên đã trưng cầu giám định tang vật tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội; kết quả là 884 ống pháo nổ có khối lượng 15kg, 1 hộp kim loại chứa chất bột màu đen nặng 800g và nhiều dụng cụ để sản xuất pháo...

Trước đó, ngày 14/12/2024, tổ công tác Đội 3 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an thành phố Hà Nội) phát hiện đối tượng Đào Đức Long, sinh năm 1999, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang vận chuyển 700 quả hình trụ tròn màu đỏ, nghi là pháo nổ. Qua đấu tranh, Long khai nhận do không có việc làm ổn định nên nảy sinh ý định làm pháo nổ bằng phương pháp thủ công để bán kiếm lời. Để thực hiện hành vi, Long tự tìm hiểu phương thức làm pháo và lên mạng internet, sử dụng các phần mềm mạng xã hội tìm mua các vật liệu ngòi nổ, thuốc pháo, giấy cuốn vỏ pháo. Các tang vật trên Long mang cất giữ tại tầng hai nhà riêng ở địa bàn huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên khi có khách đặt sản xuất bán. Cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm 700 quả hình trụ tròn màu đỏ có tổng khối lượng hơn 16 kg là pháo nổ và nhiều nguyên liệu sản xuất pháo như dây dẫn kích nổ, thuốc pháo, giấy cuốn pháo…

Cần nâng cao ý thức của người dân

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, các đối tượng nghiên cứu tự chế pháo chủ yếu là thanh, thiếu niên và tụ tập thành các nhóm để mua các loại hóa chất và thông qua các trang mạng xã hội để nghiên cứu cách thức chế tạo, sản xuất pháo trái phép. Chỉ cần gõ cụm từ "hóa chất chế tạo pháo" trên nền tảng Facebook sẽ cho ra hàng chục kết quả là các hội nhóm với hàng nghìn thành viên. Tại đây, nhan nhản các bài viết quảng cáo, chào mời các loại hóa chất với mục đích chung là chế tạo pháo. Tại nhóm công khai trên Facebook "KCLO3, Lưu Huỳnh, Natribenzoat Bán Buôn, Bán lẻ…" có trên 11.000 thành viên. Những bài viết quảng cáo hóa chất, thuốc nổ, ống dẫn xuất hiện hàng loạt. Các bài đăng trên nhóm với những ưu đãi hấp dẫn như miễn phí vận chuyển, khuyến mãi dây dẫn để lôi kéo khách hàng đã thu hút đông đảo lượt tương tác.

Bên cạnh đó, chỉ với từ khóa pháo nổ tự chế, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo trên các trang mạng xã hội. Mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và trực quan. Dễ dàng đến mức một học sinh lớp 5 cũng có thể chế tạo thành công nếu làm theo đúng hướng dẫn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là các quy tắc an toàn thì không có bất cứ khuyến cáo nào. Thậm chí, đối tượng này còn sẵn sàng đốt thử thuốc pháo vừa trộn xong ngay trong phòng. Không chỉ trái pháp luật, những hành vi này còn đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Theo đánh giá của Đại tá Vũ Minh Hùng - Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an), các đối tượng nghiên cứu tự chế pháo chủ yếu là thanh thiếu niên, lứa tuổi từ 15-35 chiếm đa số và tụ tập thành các nhóm để mua các loại hóa chất và thông qua các trang mạng xã hội để nghiên cứu cách thức chế tạo, sản xuất pháo trái phép. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận từ việc sản xuất để buôn bán pháo rất cao. Đồng thời, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết pháp luật của các cháu sinh viên, học sinh.

Trước những diễn biến phức tạp về hành vi chế tạo pháo trong đối tượng thanh thiếu niên…rất cần sự quan tâm, giáo dục quản lý từ nhà trường đến gia đình. Để phòng ngừa những vụ việc phức tạp xảy ra, mỗi gia đình và nhà trường cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em của mình, không liên hệ qua mạng xã hội để mua bán hóa chất, vật liệu về chế tạo, sử dụng các loại pháo nổ.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngan-chan-san-xuat-kinh-doanh-phao-trai-phep-182388.html