Ngăn chặn tận gốc vi phạm trong quản lý đất đai, được hay không?

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy) cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43 héc ta 'đất vàng' của tỉnh này.

Cụm từ “vi phạm trong quản lý đất đai” thường có trong các kết luận kiểm tra, thanh
tra, điều tra dù vụ việc xảy ra ở đâu. Các vi phạm này còn là một trong những nguyên
nhân chính dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Vi phạm đất đai tại tỉnh Bình Dương vừa được các cơ quan trung ương kết luận, yêu
cầu khắc phục thiệt hại chuyển nhượng “đất vàng” 145 héc ta dự án sân golf và 43 héc ta dự án khu đô thị. Thực trạng này xảy ra hầu hết các tỉnh, thành và chỉ phát hiện khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, và tài sản công cũng đã thất thoát…

Ảnh phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Ảnh phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Danh sách quan chức vi phạm trong quản lý đất đai có ở các cấp, ngành. Nhiều vụ án được đưa ra xét xử. Hậu quả các vi phạm dễ thấy đều gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Thiệt hại trong nhiều vụ án lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đọc các kết luận, cáo trạng truy tố thấy phần lớn do chỉ định thầu, giao đất không qua đấu giá.

Đất đai là tài sản công ví như miếng mồi ngon với quan chức tham nhũng và chưa bao giờ các vi phạm được phát hiện xử lý nhiều như trong thời gian qua. Từ đó cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn có những kẽ hở bị lợi dụng trong quá trình thực thi các chính sách đầu tư công và phát triển kinh kế, xã hội.

Nhờ “sự giúp sức” tích cực từ các quan chức vi phạm, đã biến những khu đất công viên, phi nông nghiệp, thậm chí là trụ sở các đơn vị, nhà máy và xí nghiệp cũ chuyển đổi thành đất ở được “ngụy trang” với danh nghĩa: dự án thương mại, hợp tác đầu tư, phân lô bán nền.

Nhiều vi phạm được “hợp thức hóa” bằng sổ đỏ hẳn hoi để mua bán, lách luật, trốn thuế, thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng. Đất đai bị thâu tóm, trục lợi không chỉ gây thất thoát, lãng phí tài sản công mà còn là nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao, tác động xấu đến đời sống xã hội.

Phân tích về các sai phạm có tính hệ thống ở những vụ án liên quan đến nhà đất cho thấy, tài sản công bị “biến hóa” bởi bàn tay các cá nhân có chức quyền. Tham nhũng, thâu tóm, trục lợi tài sản công dễ thực hiện với những người có quyền thế, quan hệ thân quen, lợi ích nhóm.

Quyền thế ở đâu nếu không phải là một bộ phận không nhỏ các quan chức? Lo hơn nữa, cứ đà này lâu dần bộ máy có thể bị tha hóa nhiệm vụ chính trị, người này tranh thủ cơ hội để trục lợi trong thời gian giữ chức vụ, người khác thay thế cũng vậy và sẵn sàng bất chấp tất cả, miễn sao đạt mục đích.

Đành rằng xử lý khối lượng lớn vi phạm nhà đất khắp các tỉnh, thành cả nước cần thời gian nhất định nhưng thực tế đã qua nhiều năm, các vi phạm tương tự cứ tiếp diễn. Thật tréo ngoe.

Trong khi đó nhiều nơi không được tìm đất làm nhà ở xã hội, nhà đầu tư chân chính “đỏ mắt” tìm đất ở những vị trí thuận lợi làm dự án phát triển dẫn đến giá thuê mặt bằng tăng cao, kinh doanh càng khó khăn, ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Biết bao dự án dân sinh cấp thiết nhưng phải ngưng, chưa thể triển khai vì thiếu vốn, khó tìm ra những khu “đất vàng” , “trắc địa” để đấu giá làm cơ sở hạ tầng.

Nhiều vụ án tham nhũng, thâu tóm, trục lợi tiêu cực đã biến đất công thành đất tư dẫn đến hàng loạt quan chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, tù tội. Đó là sự răn đe, cảnh báo các đối tượng khác có dấu hiệu, manh nha vi phạm.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng “đánh trống bỏ dùi”. Điển hình là các vi phạm quản lý đất đai vẫn còn tái diễn, thậm chí ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn.

Chừng nào cơ chế quản lý nhà đất hiện nay chưa được phân tích, mổ xẻ một cách thấu đáo để có biện pháp hữu hiệu giúp xử lý triệt để hơn thì sẽ vẫn còn các vi phạm tương tự.

Qua những vụ việc vi phạm trong quản lý nhà đất đã được kiểm tra, kiểm toán, thanh
tra, điều tra và có kết luận đã cho thấy còn nhiều kẻ hở pháp luật bị lợi dụng. Nếu cơ quan chức năng làm một cuộc tổng thống kê quỹ đất nhà, tài sản công trên toàn quốc và có biện pháp xử lý hữu hiệu sẽ thu về ngân sách rất lớn vừa kích thích phục hồi kinh tế trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, vừa góp phần an sinh xã hội.

Nên chăng, cơ quan chức năng rà soát lại quy trình quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản công để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn gắn liền với tránh nhiệm cụ thể, thống nhất công tác quản lý về mặt đầu mối và chịu trách nhiệm.

Tập trung đầu mối quản lý tài sản công như đất là ngành Tài nguyên Môi trường, nhà và công trình là Sở Xây dựng. Kiểm tra tổng thể, xác định được nguồn đất đai, tài sản công bị chiếm dụng cho thuê, chỉ định hoặc bán không đúng quy định pháp luật hay sử dụng sai mục đích thì kiên quyết xử lý theo quy định và thu hồi, kể cả các dự án kinh doanh đã được giao đất nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để kéo dài thời gian hoặc những doanh nghiệp được thuê đất nhưng cho bên thứ ba thuê lại nhằm thu lợi.

Tạo cho được hành lang pháp lý hài hòa lợi ích, công bằng cạnh tranh giữa các bên phục vụ đô thị hóa, phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Đòi hỏi có cơ chế thật sự công khai và minh bạch khi cho thuê, chuyển nhượng tài sản công.

Quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý tài sản công phải đăng tải đầy đủ các thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia, tổ chức đấu giá. Niêm yết giá trước khi tổ chức cạnh tranh chọn nhà thầu mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công hoặc cho thuê, liên doanh liên kết, chuyển nhượng tài sản công thì xác định đúng giá trị tài sản công.

Ngăn chặn các vi phạm từ đầu bằng cách đánh thuế thật cao vào giá trị đất đai tăng thêm không do chủ sử dụng đầu tư để tạo ra, chuyển quyền sử dụng đất không theo hướng khuyến khích sản xuất kinh doanh mà chủ yếu đầu cơ kiếm lợi nhuận cao.

Đỗ Ngô Trần

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngan-chan-tan-goc-vi-pham-trong-quan-ly-dat-dai-duoc-hay-khong/