Ngăn chặn thảm kịch

Các Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) đều lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến ở Libya ngừng giao tranh để tập trung cho nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19. Quốc gia Bắc Phi này có nguy cơ bị chìm sâu vào khủng hoảng khi bạo lực leo thang ở thủ đô Tripoli, dịch bệnh bùng phát, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế xuống cấp nghiêm trọng do bị chiến tranh tàn phá.

Các Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) đều lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến ở Libya ngừng giao tranh để tập trung cho nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19. Quốc gia Bắc Phi này có nguy cơ bị chìm sâu vào khủng hoảng khi bạo lực leo thang ở thủ đô Tripoli, dịch bệnh bùng phát, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế xuống cấp nghiêm trọng do bị chiến tranh tàn phá.

Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi các bên tham chiến tại Libya giảm căng thẳng, chấm dứt giao tranh ngay lập tức và bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo. Cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình chiến sự tại Libya tiếp tục leo thang sau khi bầu trời thủ đô Tripoli chìm trong những đêm khói lửa mịt mù. Thành phố này rung chuyển sau nhiều vụ nổ lớn, tiếng đạn pháo vang dội. Ðụng độ đã xảy ra tại phía tây Libya, khu vực nằm giữa Tripoli và vùng biên giới giáp Tunisia, khu vực giữa ngoại ô phía nam thủ đô với thành phố Sirte và Misrata ở phía đông Tripoli. Tình trạng xung đột nghiêm trọng giữa lực lượng tự xưng Quân đội miền đông Libya (LNA), do Tướng K.Hafta chỉ huy và quân đội Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Libya (GNA), được LHQ công nhận, tái diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Hơn một nghìn dân thường chết và hơn 150 nghìn người mất nhà ở kể từ khi chiến sự bùng phát ở Libya hồi tháng 4 năm ngoái.

Sau nhiều năm rơi vào bạo lực và bất ổn, hệ thống hạ tầng y tế của Libya gần như bị phá hủy hoàn toàn khi bệnh viện và các cơ sở chữa bệnh đều trở thành mục tiêu tiến công. Nhiều bác sĩ và y tá không được trả lương từ tháng 12-2019 đến nay. Nguồn thu từ dầu mỏ, vốn là xương sống của nền kinh tế Libya, bị thiệt hại nặng nề do xung đột làm gián đoạn các cơ sở sản xuất cũng như việc giá dầu xuống thấp kỷ lục. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết, việc ngừng xuất khẩu dầu - hậu quả trực tiếp của việc đóng cửa các mỏ và cảng dầu, đã khiến nước này thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD. Theo NOC, việc các cơ sở dầu mỏ bị lực lượng LNA áp đặt phong tỏa đã khiến sản xuất dầu của nước này bị đình trệ, làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách. Bởi thế, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại về khả năng ứng phó của Libya một khi dịch bệnh bùng phát, sau khi nước này xác nhận có ca nhiễm Covid-19.

Ðể ngăn chặn các "kịch bản" xấu xảy ra đối với Libya, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là phải ngăn chặn vũ khí tuồn vào nước này bất hợp pháp. LHQ kêu gọi chấm dứt các vụ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với Libya. Liên hiệp châu Âu (EU), khu vực chỉ nằm cách Libya hơn 300 km đường chim bay qua bờ Ðịa Trung Hải, quyết định nối lại các hoạt động tuần tra trên không và trên biển nhằm ngăn chặn tàu chở vũ khí đổ vào quốc gia Bắc Phi. Châu Âu cũng đứng ngồi không yên nếu một đất nước Libya bên kia bờ đại dương chìm sâu vào bất ổn kéo dài. "Lục địa già" từng ngấm đòn từ cuộc khủng hoảng di cư với làn sóng người tị nạn xuất phát từ bờ biển Libya. Bởi thế, nếu Libya tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy xung đột và đứng trước nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 sẽ là thảm kịch không chỉ đối với quốc gia này mà đối với toàn khu vực.

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya, các thành viên EU, gồm Ðức, Pháp, Italy đã xúc tiến nhiều hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy hòa đàm và ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại đây. Tại Hội nghị quốc tế về Libya được tổ chức ở thủ đô Berlin (Ðức), các bên đã nhất trí chấm dứt sự can thiệp của lực lượng nước ngoài vào Libya. Pháp và Italy, hai quốc gia được cho là ủng hộ hai bên đối địch ở Libya, cũng cam kết ủng hộ tiến trình được xác định tại Hội nghị Berlin, một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, do LHQ lãnh đạo, cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn cầu, trong đó có tại Libya, đã được Tổng Thư ký LHQ A.Guterres kêu gọi, nhằm chấm dứt xung đột để tập trung cho nỗ lực quốc tế đối phó vấn đề dịch bệnh cấp bách hiện nay. Cộng đồng quốc tế ủng hộ giải pháp chính trị do người Libya dẫn dắt và làm chủ, đồng thời kêu gọi tiếp tục thúc đẩy các kênh đối thoại phù hợp Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an về ủng hộ văn kiện Hội nghị Berlin về Libya. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho đối thoại, các bên liên quan ở Libya cần tuân thủ lệnh ngừng bắn tạm thời, sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, bảo đảm việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ nhân đạo. Lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này cũng cần được các bên tuân thủ nghiêm ngặt. Mọi hình thức can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya đều có thể khiến tình hình càng thêm phức tạp, cản trở một giải pháp toàn diện cho quốc gia Bắc Phi này.

THANH MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44014502-ngan-chan-tham-kich.html