Ngăn chặn 'tín dụng đen' trá hình

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng một số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” vẫn lợi dụng mạng xã hội (MXH) để lừa người vay. Nhiều người khi phát hiện ra thì đã muộn và bi kịch đã xảy ra với bản thân, gia đình, bạn bè.

Các ứng dụng (app) cho vay tiền online ngày càng xuất hiện nhiều với cách thức vay tiền khá dễ dàng. Ảnh: Lam Phương

Các ứng dụng (app) cho vay tiền online ngày càng xuất hiện nhiều với cách thức vay tiền khá dễ dàng. Ảnh: Lam Phương

Bài 1: Chỉ cần click chuột, alo… là vay được tiền

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, MXH ngày càng phát triển, các hình thức vay tiền ngang hàng (P2P), vay online nở rộ. Trong đó, có cả những ứng dụng (app), công ty tài chính “gài bẫy" người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, lãi suất vay “cắt cổ”, thậm chí có trường hợp biến tướng thành hình thức “tín dụng đen” với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường.

Trước sự biến tướng phức tạp của hoạt động vay tiền, cầm đồ, đòi nợ thuê, trong đó có nhiều hình thức liên quan đến vay tiền online trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, cơ quan chức năng đã thành lập các tổ công tác đồng loạt kiểm tra nhiều trụ sở, chi nhánh của các công ty hỗ trợ tài chính, các cơ sở kinh doanh cầm đồ, công ty mua bán nợ… Qua đó chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để vi phạm pháp luật, hạn chế nguy cơ về “tín dụng đen” thông qua các hình thức vay tiền online…

* Dễ dàng “vay nóng” qua mạng

Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ cho vay trên MXH, các app giao dịch, cho vay, các website cho vay ngang hàng… Các ứng dụng, website cho vay tiền online tiếp cận, chào mời người vay tiền qua điện thoại, MXH, internet trở nên phổ biến.

Theo khảo sát, chỉ cần tìm kiếm trên Google, các MXH sẽ dễ dàng bắt gặp có nhiều app cho vay như: Dong247, Takomo, Vamo, MoneyCat, DoctorDong… Những ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay tiền thông qua vài thao tác trên điện thoại di động. Phần lớn các app này được quảng cáo khá nhiều trên internet về cho vay trực tuyến và cho vay số tiền ở mức tài chính nhỏ, từ 1-20 triệu đồng.

Trên các website và ứng dụng vay tiền online, hồ sơ vay tiền chỉ cần cung cấp một số thông tin cá nhân như: tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, số điện thoại, thu nhập hiện tại, ảnh căn cước công dân mặt trước - sau, ảnh chân dung người vay. Thủ tục xét duyệt hồ sơ cho vay diễn ra nhanh gọn, chỉ vài phút sau khi hồ sơ hoàn tất, tốc độ giải ngân vô cùng nhanh chóng.

Chỉ cần gõ từ khóa như “vay tiền trực tuyến”, “vay tiền online”, “vay trong ngày”… trên Google, Facebook có thể dễ dàng tìm đến các đường link, địa chỉ để vay online. Khi vào trang “Vay tiền nóng online không cần gặp mặt” thì được quảng cáo đăng ký thông tin chỉ với 2 phút mà không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp. Quy trình được tự động hóa hoàn toàn mà không cần trải qua quá trình xét duyệt phức tạp, chỉ gồm: đăng ký hồ sơ đơn giản trên điện thoại, xét duyệt tự động có ngay kết quả, giải ngân nhanh trong vòng 30 phút…

* Những hệ lụy khó lường

Vay tiền online tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến người vay gánh mức lãi suất khổng lồ, vô tình sập bẫy “tín dụng đen”, thậm chí sau đó còn bị đòi nợ theo kiểu "khủng bố", "xã hội đen" như: gọi điện thoại đe dọa người vay và người thân; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân lên MXH… gây áp lực để đòi nợ người vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua tại nước ta, thủ tục vay dễ dàng, nhanh chóng, có thể vay tín chấp nên nhu cầu vay qua hình thức này tăng nhanh. Một số công ty P2P và nhà đầu tư chưa hiểu đúng tính chất của cho vay ngang hàng hoặc hoạt động biến tướng nên dẫn đến nhiều tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy.

Từ sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc làm, thu nhập của nhiều người lao động không ổn định. Mỗi người đều có nỗi lo riêng, trăn trở lớn nhất vào thời điểm này là nguồn thu nhập bấp bênh trong khi các khoản trang trải cuộc sống vẫn phải chi trả đều đặn.

Anh Đ.T.T. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, cuối năm ngoái, công ty anh cắt giảm việc làm nên thu nhập giảm sút. Do trùng dịp cận Tết, cần tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình nên anh đã vay 20 triệu đồng qua một app online. Khi đó thấy lãi suất được niêm yết trên website của ứng dụng này là 14%/năm nên anh đồng ý vay mà không lưu ý kỹ những điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, những tháng sau đó anh mới tá hỏa với các loại "ẩn phí" như: phí thẩm định hồ sơ, phí vay lần đầu, phí chậm trả... Đặc biệt là mức phí phạt chậm trả cao ngất ngưởng, gấp 2-3 lần khoản vay. Thấy nợ hàng tháng cao, có nguy cơ không thể xoay xở nổi, anh T. phải mượn tiền người thân để trả ngay, tránh hậu quả về sau.

Vay tiền online qua app đang phổ biến trong xã hội khi mà kinh tế khó khăn, các ngân hàng đang "siết" các khoản vay cá nhân. Với thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh từ những website, ứng dụng vay tiền online đã khiến nhiều người dân bị sập bẫy. Một thực tế đáng lo ngại là các hình thức “tín dụng đen”, cho vay ngang hàng đang lợi dụng sự phát triển của internet, "kẽ hở" trong chính sách pháp luật và nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để phát triển tràn lan. Từ sự dễ dàng, ồ ạt này có thể khiến người vay gánh mức lãi suất cao đột ngột dẫn đến “vỡ nợ”, gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: Lam Phương

Một số quảng cáo, giao diện của các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: Lam Phương

Vô tình trở thành "nạn nhân" của “tín dụng đen”, anh D.M.H. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kể, năm trước, do đầu tư thua lỗ nên anh có vay tiền nhanh từ một số website để trang trải. Lãi suất cao đã đành, chỉ cần chậm trả vài ngày là các số điện thoại, tài khoản MXH của bên cho vay sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, cắt ghép ảnh của anh và gia đình, bạn bè với mục đích bôi nhọ và “khủng bố”.

Vì vậy, người dân cần cẩn trọng lựa chọn những đơn vị tài chính có uy tín; tìm hiểu kỹ thông tin về hợp đồng (lãi suất, hạn mức, chi phí phát sinh…) rõ ràng, minh bạch, tránh gặp những rủi ro khôn lường.

Thời gian qua, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận, lãi suất cao. Từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi mức lãi suất, phí thực tế cao “cắt cổ”.

Hải Quân - Ngọc Liên - Trần Danh

Bài 2: Những bi kịch từ vay tiền online qua app

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/ngan-chan-tin-dung-den-tra-hinh-3172095/