Ngăn chặn tình trạng che biển kiểm soát ô tô trên cao tốc
Nhằm tránh bị phạt nguội do bị camera trên cao tốc ghi hình, thời gian qua, nhiều lái xe đã dùng băng dính để che hoặc dán, làm thay đổi chữ số trên biển kiểm soát (BKS) phương tiện.
Hành vi này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm, thậm chí còn khiến nhiều chủ phương tiện khác bị xử phạt oan. Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời tăng chế tài xử phạt.
Thời gian qua, trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp chủ phương tiện che, sửa BKS. Ngày 17-9, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, đơn vị đã lập biên bản xử phạt 4 tài xế điều khiển 4 xe ô tô BKS tỉnh Quảng Ninh có hành vi dùng băng dính sửa BKS khi di chuyển trên cao tốc này. Trước đó, ngày 8-7, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cũng đã phát hiện một đoàn gồm nhiều xe ô tô BKS tỉnh Quảng Ninh cùng dán băng dính để che, sửa BKS hòng qua mặt CSGT khi vi phạm. Theo các cán bộ chức năng, trong đoàn xe này có phương tiện đã 6 lần vi phạm lỗi chạy quá tốc độ trong cùng một ngày... Thủ đoạn để sửa BKS khá đơn giản nhưng lại rất khó phát hiện, vì vậy, hệ thống camera giám sát gần như bị vô hiệu hóa. Cụ thể, lái xe dùng băng dính đen để sửa chữ F thành chữ E, sửa các số 0, 3, 5, 6, 9 thành số 8 hoặc dùng băng dính trắng để dán lên số 8, sửa thành các số 0, 3 , 5, 6, 9...
Anh Nguyễn Văn Trọng ở phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Tôi từng là nạn nhân của tình trạng che, sửa BKS. Tháng 5-2022, tôi nhận được thông báo của cơ quan công an về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, tôi đã điều khiển xe ô tô quá tốc độ quy định 20km/giờ trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Nhận được thông báo, tôi rất bất ngờ vì bản thân không di chuyển trên tuyến đường này vào thời điểm ghi trong thông báo. Cùng thời gian đó, tôi có điều khiển xe về TP Việt Trì (Phú Thọ) nên đã nộp phí đường bộ ở trạm thu phí. Nhờ có chứng cứ này mà cuối cùng tôi được giải oan. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng cho biết, có lái xe đã sửa BKS trùng với BKS ô tô của tôi. Rất mong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này”.
Ngoài các thủ đoạn che, sửa BKS như nêu trên, nhiều lái xe còn truyền tai nhau cách lắp đặt một loại thiết bị để thay BKS giả chỉ trong một thời gian rất ngắn... Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng ô tô dùng BKS giả, che hoặc sửa BKS khi lưu thông, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý. Cán bộ trực tại Trung tâm điều hành hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ liên tục rà soát để phát hiện phương tiện dùng BKS giả, che hoặc sửa BKS đang lưu thông trên đường. Khi phát hiện những trường hợp này, chúng tôi sẽ lập hồ sơ để xác minh chủ phương tiện hoặc thông báo về công an địa phương để phối hợp điều tra làm rõ. Khi người dân nhận được thông báo phạt nguội mà chắc chắn mình không vi phạm, cần liên hệ với cơ quan công an để cung cấp chứng cứ, hồ sơ, giúp cơ quan chức năng phân tích, làm rõ, xác minh đúng phương tiện vi phạm”.
Về chế tài xử phạt, nhiều người cho rằng, hành vi che, sửa BKS gây ra nhiều hệ lụy nhưng hiện nay, mức xử phạt lại khá nhẹ. Luật sư Trần Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội kiến nghị: “Theo quy định, với hành vi “sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển” sẽ bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng. Tôi đề nghị cần bổ sung, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi này, ngoài phạt tiền còn có thể tước bằng lái, giữ xe...”.