Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp
Những năm gần đây, các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, song tình trạng này vẫn diễn ra khá phức tạp. Giải 'bài toán' này cần có biện pháp quyết liệt hơn.
Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp đang diễn ra hầu hết ở các huyện, thành phố trong tỉnh, nhiều nơi trở thành điểm nóng. Điển hình như vụ phá rừng làm nương ở huyện Sốp Cộp, một trong những huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn với gần 120.000 ha; diện tích đất có rừng gần 67.000 ha, trong đó rừng đặc dụng gần 6.000 ha, trên 32.000 ha rừng phòng hộ và trên 28.000 ha rừng sản xuất.
Vụ việc diễn ra vào tháng 2/2018, khu rừng của bản Ten Lán, xã Sam Kha (Sốp Cộp) đã bị bà con trong bản phá 174.623 m² để làm 13 đám nương. Chủ rừng là cộng đồng bản Ten Lán. Sau khi lực lượng chức năng phát hiện, UBND xã đã đề nghị nhân dân không sử dụng khu vực này để sản xuất, nhưng người dân vẫn cố tình canh tác trên diện tích rừng đã phá. Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp cử cán bộ lên bản tuyên truyền, vận động và phối hợp xử lý, nhưng người dân vẫn cố tình phá rừng để làm nương. Đến ngày 18/4/2018, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với xã đến bản để tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và đề ra kế hoạch kiểm tra các hộ dân phá rừng, nhưng các hộ dân ở bản không ai nhận đã phá rừng.
Ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã điều tra làm rõ 117 đối tượng đã có hành vi chặt phá rừng trái pháp luật; trong đó, 64 đối tượng ở bản Ten Lán, 51 đối tượng bản Pú Sút và 2 đối tượng bản Sam Kha, với tổng diện tích rừng của cả 2 bản Ten Lán, Pu Sút bị phá lên tới 608.911m² (diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, trạng thái DT1 479.570 m², diện tích đất lâm nghiệp có rừng 129.341m² rừng phòng hộ và rừng sản xuất).
Ngày 3/7/2020, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã khởi tố vụ án hình sự đối với 3 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại bản Pú Sút, Ten Lán và chuyển hồ sơ đến Công an huyện Sốp Cộp tiến hành điều tra theo thẩm quyền. Công an huyện Sốp Cộp khởi tố bị can, ra lệnh bắt đối tượng Thào Pạ Chông, trú tại bản Pú Sút; Giàng Chộng Vạ, Giàng A Súa, cùng trú tại bản Ten Lán về tội hủy hoại rừng. Đối với 114 đối tượng có hành vi phá rừng, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và đã thu nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Kết quả đã điều tra, xử lý đúng đối tượng, mang tính răn đe lớn, hạn chế tình trạng phá rừng trên địa bàn.
Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng cao, biên giới, khu vực giáp ranh với các tỉnh. Nguyên nhân được xác định là một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng cao đời sống khó khăn, nhận thức về pháp luật hạn chế; tập quán phát rừng làm nương và luân canh sản xuất vẫn còn, chỉ canh tác 2 đến 3 vụ, lại đi phát rừng nơi khác, điều này cũng làm cho rừng bị hủy hoại.
Đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19, một bộ phận người dân đang làm việc ở ngoài tỉnh, các khu công nghiệp trở về địa phương thiếu đất sản xuất cũng là nguyên nhân làm gia tăng tác động đến rừng. Ngoài ra, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Một số nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chuyên môn, chưa tích cực, chủ động trong quản lý rừng, bảo vệ rừng. Một số chủ rừng chưa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng trên diện tích rừng được giao. Lực lượng kiểm lâm còn mỏng, một số kiểm lâm viên được giao phụ trách từ 2 đến 4 xã với diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn...
Theo ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ phá rừng, gây thiệt hại trên 200.000 m² rừng, các lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính gần 1,7 tỷ đồng, xử lý hình sự 4 vụ. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 312 vụ phá rừng, gây thiệt hại trên 29 ha rừng các loại. Các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 3,2 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tổ chức, cá nhân vi phạm trồng lại diện tích rừng bị phá.
Để giảm thiểu tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành nghiên cứu việc xét xử lưu động để tăng tính răn đe, giáo dục nhằm thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường các biện pháp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong nộp tiền phạt, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả...
Trước nguy cơ những diện tích rừng hiện còn bị tàn phá, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần phải có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm... Đồng thời, tìm hướng sản xuất phù hợp để người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là việc tạo điều kiện cho người dân cải thiện sinh kế nhờ rừng.