Ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn thịt trên địa bàn tỉnh An Giang
Những ngày qua, giá lợn hơi xuất chuồng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng cao, hiện ở mức 65.000-80.000 đồng/kg.
Trong khi nguồn cung không đủ cầu, lợi nhuận từ việc buôn bán lợn nhập lậu cao nên tình trạng buôn lậu lợn thịt từ Campuchia vào nước ta tăng mạnh. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn việc nhập lậu lợn ngay từ biên giới.
Liên tiếp bắt các vụ nhập lậu lợn
Trong những ngày qua, lực lượng BĐBP tỉnh An Giang liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, phần lớn đều không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều con bị trầy xước, toàn thân tím tái, thậm chí đã chết. Từ đầu tháng 11 đến nay, BĐBP tỉnh An Giang đã bắt giữ 5 vụ, tịch thu 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng. Ông Lê Văn Hải, ngụ tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang), lái thuyền máy chở 30 con lợn bị BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ ngày 10-11, cho biết: “Thịt lợn ở Campuchia chủ yếu lấy nguồn hàng từ Thái Lan, giá nhập về thường rất rẻ, dao động từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi tại tỉnh An Giang thì giá khoảng 71.000-80.000 đồng/kg lợn hơi. Chúng tôi vận chuyển thuê đàn lợn từ Campuchia về cho người đàn ông tên Hiệp ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú...".
Còn Nguyễn Văn Hùng, ngụ tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang), lái thuyền máy chở 53 con lợn bị BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ ngày 16-11 khai nhận: “Mọi giao dịch đều được thực hiện vào ban đêm. Lợn từ Campuchia không chở đến cố định một cửa khẩu mà liên tục thay đổi hướng, tùy theo tình hình động tĩnh ở trong nước. Họ liên lạc với cánh lái lợn trong nước để cho địa điểm, giá cả. Người mua có mặt chỉ để đánh giá tình trạng của lợn sau khi được vận chuyển một quãng đường dài”.
Tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn càng lớn. Vì vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để ngăn chặn các đối tượng “tuồn” hàng từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ, hiện các sở, ngành và lực lượng BĐBP tỉnh An Giang đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn ở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái pháp luật.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang cho biết: "Do dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, chưa có vắc-xin tiêm phòng nên việc phòng, chống dịch là quan trọng nhất. Khi phát hiện, bắt giữ lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, dù âm tính với vi-rút bệnh dịch nhưng chúng tôi vẫn tiến hành tiêu hủy ngay theo quy định”.
Tương tự, ông Diệp Trọng Danh, Quyền đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, cho biết: “Ngoài tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cơ sở và xây dựng lực lượng cơ sở để thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, chính quyền địa phương rà soát các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn để có biện pháp quản lý. Nếu phát hiện trường hợp nào buôn bán, vận chuyển, kinh doanh lợn có nguồn gốc từ Campuchia, không có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng, chúng tôi kiên quyết thu giữ, tiêu hủy, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.
Về phía lực lượng BĐBP, theo Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang: Đơn vị đã chỉ đạo triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường sông trên biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm từ động vật, đặc biệt là lợn thịt, các sản phẩm từ thịt lợn. “Ngoài tuần tra, kiểm soát, lực lượng BĐBP tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân khu vực biên giới về nguy cơ của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép”, Đại tá Nguyễn Thượng Lễ nói.