Ngăn chặn tình trạng nhập lậu vật nuôi
Trước tình trạng nhập lậu vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Báo Quân đội nhân dân phản ánh tình trạng này.
Khu chuồng rộng hơn 200m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đang nuôi hơn 5.000 con gà ác. Trước đó, chị Thảo mua 6.000 con gà giống qua thương lái từ lúc mới nở vì thấy giá hợp lý mà không quan tâm đến nguồn gốc, không cần giấy tờ gì. Nuôi được một thời gian, gia đình chị mới bắt đầu tiêm phòng nên bị chết 1.000 con do các loại bệnh dịch. “Tôi thấy người ta nói là có nguồn gà mới nhập về, giá hợp lý thì mua thôi. Họ mang đến tận nhà chứ giờ đi kiếm mối mua gà ở các công ty giống hay trang trại lớn thì không biết tìm ở đâu”, chị Thảo chia sẻ.
Tình trạng người dân mua giống vật nuôi trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được tiêm phòng như nêu trên vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Đa số các trường hợp này là chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình, gia trại. Đây cũng là điều kiện để các đối tượng buôn bán giống gia súc, gia cầm nhập lậu có nơi tiêu thụ. Tại các địa phương như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, tình trạng này có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong tháng 5-2024, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 3 vụ việc nhập lậu vật nuôi với gần 48.000 con gia cầm giống. Trước đó, vào tháng 3-2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ một xe tải chở hơn 42.000 con vịt giống nhập lậu. Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng để mang vác nhỏ lẻ các loại vật nuôi qua biên giới về các thôn, bản thuộc các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy đi các tỉnh nội địa tiêu thụ. Nhận định tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ còn diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn chặn, quản lý chặt chẽ tại khu vực biên giới, tiến hành lập chuyên án chống buôn lậu gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Lương Trọng Quỳnh cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng khu vực nội địa tăng cường quản lý về thú y đối với các cơ sở chăn nuôi; thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung con giống theo mùa vụ có chất lượng, giá cả cạnh tranh, hạn chế nhu cầu sử dụng con giống nhập lậu”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Việc ngăn chặn nhập lậu vật nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ phía các địa phương. Để tình trạng này diễn ra sẽ dẫn đến các loại dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta như: Cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi...; đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi trong nước và xuất khẩu sản phẩm động vật. Vì thế, cần có giải pháp từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gia cầm tại ngay khu vực biên giới”.
Trước tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào nước ta vẫn tiếp diễn phức tạp, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý. Các tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại: “Nếu không sớm ngăn chặn tình trạng nhập lậu vật nuôi và kiểm soát tốt việc nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thì ngành chăn nuôi sẽ đứng trước nguy cơ sụt giảm, nhiều người chăn nuôi phá sản, khó kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi. Giải pháp cần thực hiện ngay là ngăn chặn hoàn toàn việc nhập lậu vật nuôi, tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi mua bán giống đúng theo tiêu chuẩn, chăn nuôi an toàn sinh học để có được sản phẩm chất lượng. Muốn thế, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và lực lượng quản lý thị trường, hải quan, Bộ đội Biên phòng và Ban chỉ đạo 389 các địa phương”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-tinh-trang-nhap-lau-vat-nuoi-781155