Ngăn chặn tình trạng sử dụng kích điện bắt giun trong đất - Bài 2: Xử lý triệt để tình trạng kích giun, bảo vệ đất đai, sản vật quê hương

Nếu hành vi kích giun không được ngăn chặn, thì hậu quả đối với cam Cao Phong và các giống cây trồng khác sẽ rất khó lường.

Các lực lượng vào cuộc

Đại úy Hoàng Thế Anh, Trưởng Công an xã Thu Phong cho biết, khi nhân dân phản ánh hiện tượng kích giun trên địa bàn, Công an xã đã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã ban hành quy chế phối hợp giữa lực lượng công an và quân sự, thực hiện tuần tra, kiểm soát, nhất là vào buổi tối hay khi trời vừa tạnh mưa. Khi phát hiện hành vi, công an xã mời những người kích giun đến trụ sở làm việc, tiến hành tuyên truyền, vận động tự nguyện giao nộp máy kích giun, yêu cầu làm đơn cam kết không tái phạm. Ngoài ra, công an xã tiến hành tuyên truyền kết hợp với các buổi họp thôn, xóm, mang lại hiệu quả tốt. Người dân xã Thu Phong tham gia kích giun rất ít, giảm nhiều so với trước, chủ yếu là người ở địa bàn khác đến.

 Đại úy Hoàng Thế Anh, Trưởng Công an xã Thu Phong (huyện Cao Phong) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Đại úy Hoàng Thế Anh, Trưởng Công an xã Thu Phong (huyện Cao Phong) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Đồng chí Vũ Thế Dũng, Chủ tịch UBND xã Thu Phong (huyện Cao Phong) khẳng định, khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, UBND xã đã họp, phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kêu gọi người dân tuyệt đối không tham gia kích giun. 6 tháng đầu năm 2023, xã Thu Phong đã thu giữ 16 máy kích giun của các đối tượng trong và ngoài địa bàn. Cây trồng chủ lực của xã Thu Phong là cam, bưởi và mía. Hành vi kích giun gây hại cho đất, làm hỏng cây trồng, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. “Cần sớm có chế tài cụ thể để địa phương có căn cứ xử lý triệt để hành vi kích giun trên địa bàn”, đồng chí Vũ Thế Dũng đề nghị.

Đồng chí Vũ Thế Dũng, Chủ tịch UBND xã Thu Phong (huyện Cao Phong) chủ trì cuộc họp, giao nhiệm vụ cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tình trạng kích giun trên địa bàn.

Đồng chí Vũ Thế Dũng, Chủ tịch UBND xã Thu Phong (huyện Cao Phong) chủ trì cuộc họp, giao nhiệm vụ cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tình trạng kích giun trên địa bàn.

Ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết, đơn vị đã tuyên truyền tới bà con các biện pháp tự bảo vệ vườn cây. Khi chất lượng đất kém đi do sụt giảm số lượng giun, các hộ làm vườn được khuyên dùng các chế phẩm sinh học, đặc biệt là phân hữu cơ, để hỗ trợ phục hồi đất. Cây ăn quả Cao Phong, nhất là cam Cao Phong, là một thương hiệu lớn. Sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để giữ được thương hiệu cam Cao Phong, huyện ủy, UBND huyện đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngăn chặn hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự

Theo Thượng tá Lã Thanh Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Cao Phong, từ năm 2019 tới nay, công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phát hiện 67 vụ/65 đối tượng có hành vi kích giun, thu giữ 78 máy kích giun, vận động 4 hộ gia đình tháo dỡ 5 lò sấy giun, 4 máy mổ giun và giá phơi giun.

Trên thực tế, các chủ vườn đã tự trang bị các dụng cụ để bảo vệ vườn cây, lập các chốt canh phòng. Các đối tượng kích giun có máy kích điện, còn chủ vườn vốn đã bức xúc, nguy cơ xảy ra tranh cãi, xô xát, đánh hội đồng… là hoàn toàn có thể.

Cam Cao Phong - sản vật của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Cam Cao Phong - sản vật của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Công an huyện Cao Phong đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn về việc quản lý người sử dụng kích điện để bắt giun đất; chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn tăng cường nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát địa bàn, chủ động phát hiện, xử lý hành vi kích giun và việc thu mua, sơ chế giun đất. “Hiện nay, biện pháp ngăn chặn chủ yếu là phát hiện, vận động người dân giao nộp máy kích giun. Do đó, việc xử lý và giải quyết triệt để tình trạng này rất khó khăn. Bất chấp việc tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn, nhưng vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng từ địa bàn khác đến, thay đổi thời gian, địa điểm hoạt động liên tục, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự”, Thượng tá Lã Thanh Nghiêm cho biết.

Trong công văn số 1540/UBND-CAH ngày 18-7-2023 về việc quản lý người dân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất, UBND huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) nêu rõ, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số người dân sử dụng kích điện để bắt giun trong đất bán cho các thương lái. Dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học.

Chủ tịch UBND huyện Cao Phong yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể của huyện tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng kích điện bắt giun trong đất, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; tác dụng của giun đất đối với môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không sử dụng thiết bị kích điện, hóa chất để bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế giun đất; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hình vi bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất trái quy định của pháp luật; hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tự bảo vệ đất của mình; đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn, bản, để có hình thức tuyên truyền, vận động, xử phạt các đối tượng cố tình vi phạm; phân công cán bộ, công chức thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, các khu đất ven sông, suối, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản, báo cáo cấp trên xử lý kịp thời các đối tượng kích giun; chỉ đạo công an huyện, đội quản lý thị trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của máy kích điện đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi có đủ căn cứ...

Vùng trồng cây nông nghiệp ở huyện Cao Phong nhìn từ trên cao.

Vùng trồng cây nông nghiệp ở huyện Cao Phong nhìn từ trên cao.

Người làm vườn quyết bám đất, giữ cây

Đến xóm Đúng Thá (xã Thu Phong, huyện Cao Phong), chúng tôi thấy anh Bùi Quang Toản mướt mải mồ hôi đi kiểm tra vườn cam. Anh Toản chia sẻ, từ khi xuất hiện tình trạng kích giun, anh thấy chất lượng đất và cây có sự khác biệt so với trước đây. Anh dự đoán, năm nay, sản lượng thu hoạch cam chắc chắn sẽ giảm so với mọi năm. Chưa xác định được là sụt giảm bao nhiêu, nhưng chắc chắn là giảm nhiều. Những nhà vườn như anh Toản đều thấy rằng, việc kích giun là việc làm không có lợi, chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho những người kích giun, mà gây hại lớn cho môi trường, thiệt hại cho bà con làm vườn, không riêng đối với cây cam mà là với mọi loại cây trồng.

Anh Bùi Quang Toản đi kiểm tra vườn cam.

Anh Bùi Quang Toản đi kiểm tra vườn cam.

Anh Toản và các hộ nhà vườn kêu gọi những người thực hiện hành vi đó hãy suy nghĩ, suy xét hành động của mình là có lợi hay có hại, có ảnh hưởng tới những người khác hay không. Anh cũng mong chính quyền tăng cường tuyên truyền để bà con không làm những việc như vậy nữa, gây ảnh hưởng tới nông nghiệp của cả huyện, thậm chí cả tỉnh. Anh Toản bộc bạch: “Chăm sóc cây cam vốn đã vất vả. Giá bán cam những năm gần đây lại biến động. Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, chúng tôi sẽ duy trì trồng các loại cây có múi. Chúng tôi rất tâm huyết, vì vậy các nhà vườn mới còn tồn tại đến lúc này. Tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi là làm cho những người kích giun hiểu được rằng đó là việc làm có hại, không kích giun nữa, để nhà vườn chúng tôi tiếp tục lao động sản xuất, duy trì, phát triển sản vật của quê hương. Chúng tôi sẽ không nản lòng”.

(tiếp theo và hết)

Bài, ảnh: NGỌC CHUNG - TRUNG HIẾU - VIỆT TRUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-tinh-trang-su-dung-kich-dien-bat-giun-trong-dat-bai-2-xu-ly-triet-de-tinh-trang-kich-giun-bao-ve-dat-dai-san-vat-que-huong-739654