Ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện để khai thác thủy sản
Việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác, đánh bắt thủy sản là hành động hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường nước và nguy hiểm đến tính mạng con người. Thực hiện quy định của Luật Thủy sản, Chỉ thị số 19 của Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Với 3 con sông chính là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, cùng hệ thống ao hồ trải khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc có điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40 loài thủy sản các loại, ngoài các loài phổ biến như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá rô, trai, ốc, tôm, cua, lươn… còn có các loài thủy sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như cá bò, cá ngạnh, cá lăng…
Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm đáng kể cả về thành phần loài cũng như sản lượng, thậm chí có một số loài quý hiếm rất ít gặp hoặc không còn nữa như cá anh vũ, cá mòi cờ, cá cóc Tam Đảo…
Việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác đánh bắt thủy sản là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày một suy giảm.
Để ngăn chặn tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt đối với các hành vi sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản.
Giai đoạn 2012 – 2020, triển khai quyết định số 188 của Chính phủ về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 600 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản; vận động người dân giao nộp, thiêu hủy 519 bộ công cụ kích điện, xử phạt hành chính 126 đối tượng với tổng số tiền 63 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2016, Công an tỉnh cũng xây dựng riêng Đề án số 331 về phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ bị cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản.
Giai đoạn 2016 – 2018, lực lượng công an đã phát hiện 112 vụ, bắt giữ 108 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính 87 triệu đồng; đồng thời, thu giữ và vận động người dân giao nộp 626 bộ kích điện để thiêu hủy.
Trong đó, điển hình có những vụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện với quy mô lớn như vụ việc xảy ra tại khu vực Đầm Đông, tại xã Cao Minh (Phúc Yên), lực lượng công an đã phát hiện, bắt quả tang 17 đối tượng đang sử dụng kích điện để đánh bắt cá, các đối tượng sau đó đã bị xử phạt hành chính, tịch thu và buộc thiêu hủy toàn bộ tang vật liên quan.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Việc tăng cường phối hợp, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời gian qua đã góp phần hạn chế hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ bị cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, do chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe nên tình trạng sử dụng kích điện để khai thác thủy sản vẫn xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người dân, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1025 về việc tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chi cục Thủy sản được giao phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, lực lượng công an trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, kíp nổ, xung điện và các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản.
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong lĩnh vực khai thác thủy sản ký cam kết không sử dụng chất cấm, chất độc, chất nổ, kíp nổ, xung điện và các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản.
Tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ các vùng khai thác thủy sản có thời hạn trong năm, triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó đẩy mạnh thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực tự nhiên trong tỉnh, góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.