Ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thời gian qua, tình hình tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phức tạp và ngày càng tinh vi.
Hậu quả của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản không những gây thiệt hại về tài sản, gây tâm lý lo ngại trong nhân dân mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.
* Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Các hình thức, chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu như: giả danh cơ quan chức năng lừa đảo qua mạng xã hội, lừa chạy án, lừa mua bán dự án bất động sản ảo, lợi dụng mối quan hệ tình cảm để lừa đảo hoặc lừa mượn tài sản rồi mang đi cầm cố…
Nổi bật nhất trong thời gian vừa qua là tình trạng lừa mua dự án nhà đất ảo. Nhiều người dân đã “sập bẫy” và khả năng mất số tiền lớn rất cao. Đơn cử như mới đây vào tháng 4-2023, Công an tỉnh khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Vĩnh Tuấn (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, Bùi Vĩnh Tuấn là Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng địa ốc Đại Tuấn Phát, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển tập đoàn Đông Dương và Giám đốc Công ty CP tập đoàn Boss Land. Bằng việc thành lập các công ty kinh doanh bất động sản, Tuấn đã tự ý lập ra các dự án khu dân cư trái phép tại H.Long Thành và TP.Biên Hòa, sau đó lừa ký các hợp đồng bán cho nhiều người thu về số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Tương tự, với hành vi tự “vẽ” ra 4 “dự án ma” rồi lừa bán cho người dân, vào ngày 15-5, Đỗ Sơn Tùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã bị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Công ty CP Bất động sản Nhà đất Đồng Nai do Đỗ Sơn Tùng làm Giám đốc đã vẽ ra 4 “dự án ma” tại H.Trảng Bom. Với sự giúp sức của 4 bị cáo khác, Tùng đã bán được 596 lô đất tại các dự án, chiếm đoạt của 434 người mua đất với số tiền là gần 123 tỷ đồng.
Đặc biệt hơn là trong thời gian qua, thực trạng lừa đảo qua mạng xã hội đang diễn ra rất phổ biến và nhiều người dân “sập bẫy” với số tiền từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Đơn cử như trường hợp chị N.T.D. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã bị nhóm kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt gần 1,1 tỷ đồng.
Vào tháng 2-2023, chị D. sử dụng mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được một người tên “Thu Huong” tư vấn tham gia làm cộng tác viên với nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng lợi nhuận. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, chị D. lại chuyển tiền vào một tài khoản khác nhau. Tổng cộng, chị D. đã chuyển tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng vào 9 số tài khoản ngân hàng khác nhau và bị mất hết.
* Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh với diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cao.
Theo Công an tỉnh, từ tháng 5-2020 đến tháng 5-2023, tổng số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh là hơn 6,7 ngàn vụ/hơn 1,8 ngàn bị can (chiếm gần 60% tổng số vụ án hình sự đã khởi tố điều tra trong kỳ).
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng phương thức, thủ đoạn truyền thống thì thường lợi dụng mối quan hệ quen biết trực tiếp hoặc gián tiếp với bị hại, lợi dụng lòng tin của bị hại để dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Phổ biến là mượn các tài sản như: điện thoại, xe mô tô… rồi mang đi cầm cố, hoặc lừa xin việc làm, chạy án, chuyển nhượng đất đai, …
Nhiều nhất vẫn là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng; kêu gọi đầu tư, tài trợ, làm từ thiện, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền…
Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Theo Công an tỉnh, nguyên nhân diễn ra thực trạng trên là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tư pháp...; thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi trong khi một bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót; phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Do đó, theo các cơ quan chức năng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp với ban ngành, đoàn thể, đơn vị… tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra, nhất là các kỹ năng nhận diện, ứng phó khi gặp phải những đối tượng, hành vi có biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, theo các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Và nhất là người dân cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện, chủ động tố giác tội phạm để cơ quan chức năng có cơ sở ra sức phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này.